Bài 2: Tín chỉ carbon - Giá trị mới từ rừng

Tín chỉ carbon là một giá trị mới từ rừng mà Tuyên Quang và những tỉnh có rừng đang hướng đến. Sau nhiều năm dài nỗ lực phát triển và bảo vệ rừng, Tuyên Quang đã đạt độ che phủ rừng trên 65%, cùng các tỉnh top đầu về rừng trong cả nước sở hữu một giá trị mới về rừng - bể chứa carbon rừng khổng lồ. Đã có không ít khách hàng trong nước và nước ngoài đặt vấn đề mua tín chỉ carbon rừng, ứng trước kinh phí làm dự án, nhưng do vẫn chưa có khung pháp lý nên việc giao dịch tín chỉ carbon rừng trong tình trạng vẫn chưa thể "tiền trao cháo múc" dù "sẵn tiền, sẵn cháo". Ước tính mỗi năm một địa phương như Tuyên Quang đang bỏ phí khoảng 2 triệu USD từ tín chỉ carbon (theo giá bán mỗi tín chỉ 8 USD). 

Đây là nguồn lực đáng kể cho tỉnh còn nghèo như Tuyên Quang để bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Netzero) của Việt Nam với thế giới.

RỪNG là một trong những nguồn quan trọng nhất để giảm phát thải khí nhà kính trong khí quyển gây biến đổi khí hậu. Thực vật rừng hấp thụ khí CO2 từ không khí trong quá trình quang hợp và lưu trữ nó trong năm bể chứa sinh khối carbon của rừng gồm: Trong thân, vỏ, cành và lá cây trên mặt đất; trong rễ cây dưới mặt đất, trong thảm mục, trong gỗ chết và trong đất rừng.

Trong đó, hai bể chứa thảm mục và gỗ chết tích lũy các bon chỉ chiếm dưới 1%, bể chứa carbon hữu cơ trong đất chiếm 40 - 50%, nhưng ít thay đổi theo các trạng thái rừng, chỉ thay đổi khi rừng bị phá bỏ gây xói mòn, rửa trôi SOC, và phát thải. Để đạt hiệu quả chi phí - thu nhập từ tín chỉ carbon, thường chú trọng đến lượng carbon tích lũy trong cây gỗ phần trên mặt đất, và có thể bổ sung lượng carbon trong rễ cây dưới mặt đất rừng.

Trên bình diện quốc tế, việc giao dịch thương mại tín chỉ các bon rừng được thông qua thị trường các bon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện quốc tế.

Thị trường carbon bắt buộc được điều hành bởi cấp quốc gia và điều phối đến các địa phương. Việt Nam đã tham gia thị trường này thông qua thiết lập đường cơ sở phát thải carbon rừng trong quá khứ và hệ thống đo đạc, thẩm định cấp quốc gia để báo cáo giảm thải khí nhà kính từ suy thoái và mất rừng và từng bước thu hút thị trường carbon bắt buộc với sự hỗ trợ của quốc tế.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang trồng rừng thực hiện mục tiêu vì một Việt Nam xanh, tháng 1-2023.

Còn thị trường carbon tự nguyện dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty, cộng đồng, địa phương hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ carbon rừng tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện với chủ rừng, địa phương, quốc gia để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải carbon của mình. Đây là một hướng đi linh hoạt, cởi mở; thúc đẩy địa phương, chủ rừng trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ thị trường các bon tự nguyện và quản lý rừng tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách, pháp lý hỗ trợ cho chủ rừng, địa phương tiếp cận thị trường này.

Để chuẩn bị việc tham gia thị trường này, Chính phủ đã ban hành các văn bản về kiểm kê khí nhà kính và xác lập phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng lĩnh vực, ngành, cơ sở; làm cơ sở để hình thành thị trường carbon rừng trong nước. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở sẽ được cấp từ 2026 – 2030 đồng thời với xác nhận tín chỉ các bon, từ đó sẽ hình thành bên bán và bên mua tín chỉ carbon rừng để bù đắp lượng carbon phát thải vượt hạn ngạch. Dự kiến thị trường các bon sẽ được thí điểm từ năm 2025 và năm 2028 trở đi sẽ phát triển sàn giao dịch carbon trong nước và cả quốc tế.

THEO Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon từ rừng. Vùng có trữ lượng lưu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc - trong đó có Tuyên Quang - 21 triệu tấn carbon mỗi năm. Việt Nam đang có tới 50 triệu tín chỉ CO2 rừng có thể đem bán mỗi năm. Với giá bán 5USD/tín chỉ, tương đương 250 triệu USD/năm – một nguồn thu lớn từ rừng.

Dù giao dịch tín chỉ carbon theo thị trường bắt buộc hay tự nguyện, thì đều mang lại những lợi ích to lớn cả về kinh tế lẫn môi trường, xã hội.

 

 

Những diện tích rừng sản xuất được các doanh nghiệp, hộ gia đình chuyển hóa sang rừng gỗ lớn, gia tăng giá trị về sinh khối, môi trường.

Theo tính toán của Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) khi đặt vấn đề làm dự án tại Tuyên Quang, nếu dự án được phê duyệt thì từ năm 2022 đến năm 2030 Tuyên Quang sẽ bán được trên 1,8 triệu tín chỉ, trung bình mỗi năm gần 63 nghìn tín chỉ. Công ty nói trên sẽ mua với giá 8 USD/tín chỉ, Tuyên Quang sẽ đạt tổng doanh thu gần 12,1 triệu USD.

So với tiền bán gỗ từ 1 ha keo 7 năm tuổi đạt khoảng 160 triệu đồng, rừng trồng gỗ lớn chu kỳ 10 năm đạt khoảng 300 triệu đồng, thì việc bán tín chỉ các bon quả là nguồn thu hấp dẫn cho chủ rừng.

Về môi trường, sẽ giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng quốc tế liên quan đến giảm nhẹ biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao chất lượng của hoạt động bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thông qua việc hình thành và đưa vào hoạt động hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra cấp dự án.

Màu xanh được phủ dày khắp các cánh rừng, tạo thành "bể chứa" carbon khổng lồ..

Về xã hội, việc tham gia thị trường tín chỉ các bon rừng sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu xóa đói – giảm nghèo và phát triển bền vững của địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò của rừng trong việc giảm nhẹ BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan; cải thiện điều kiện sức khỏe của cộng đồng xung quanh; góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của địa phương thông qua các lợi ích thu được từ hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.

Ông Đỗ Hữu Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương khẳng định, sau khi được tiếp một số tổ chức quốc tế khảo sát, đặt vấn đề mong muốn mua tín chỉ cacbon trên diện tích rừng trên địa bàn, huyện rất ủng hộ. Bởi vì lợi ích hiệu quả cấp tín chỉ cacbon không những mang lại cái nguồn lợi lớn, phù hợp với tính đa giá trị của ngành nông, lâm nghiệp, ngoài ra tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, từ đó thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu.

 

 

Ông Phạm Hữu Tân
 Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương  

THEO các chuyên gia, tăng cường diện tích rừng là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm phát thải khí nhà kính. Do vậy, những tỉnh có độ che phủ rừng cao như Tuyên Quang trở nên có lợi thế mới do có nhiều khách hàng sẵn sàng đem đến nguồn tiền không nhỏ từ tín chỉ carbon rừng.

Năm 2021, thông qua Hội chủ rừng Việt Nam, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) và Công ty Swiss Carbon Value Ltd. (thuộc tập đoàn South Pole Holding, Thụy Sỹ) đã đến Tuyên Quang đặt vấn đề hợp tác phát triển các dự án tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ đề xuất thực hiện thí điểm phát triển dự án tín chỉ carbon đối với rừng trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo cơ chế VCS (là tiêu chuẩn chứng nhận giảm phát thải carbon, được quản lý bởi Verra, một tổ chức phi lợi nhuận để đảm bảo chất lượng trong việc chứng nhận các dự án giảm phát thải carbon tự nguyện).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đi thực tế kiểm tra cánh rừng tại xã Đông Thọ (Sơn Dương), tháng 4-2023.

Năm 2022 tỉnh Tuyên Quang được Cục Lâm nghiệp đưa vào dự án hợp tác với Công ty Lâm nghiệp SK Hàn Quốc về giảm phát thải khí nhà kính nhằm quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc. Nhưng hiện nay dự án mới đang giai đoạn xây dựng báo cáo khả thi.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) chia sẻ, với 2.800 ha rừng, trong đó có 800 ha rừng tự nhiên, lưu trữ carbon tại rừng do Công ty quản lý là rất lớn. Tuy nhiên công ty chưa thể thu lợi từ “mặt hàng” này. Trên thực tế, rừng của Công ty vẫn chỉ định lượng giá trị trên sinh khối gỗ khai thác, 1 giá trị chỉ chiếm 30% nguồn lợi từ rừng, còn lại 60% giá trị về sinh thái và sinh cảnh rừng đem lại vẫn đang bị lãng phí. 

Tìm hiểu tại Đồng Nai – địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất Đông Nam Bộ, chúng tôi được biết, đầu tháng 10 vừa qua, Công ty CP Ecotree (TP HCM) đã làm việc với tỉnh về thí điểm xây dựng đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Trước đó, một số doanh nghiệp đã đề xuất với tỉnh tham gia khảo sát, lập đề án tín chỉ carbon như Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn và các đối tác là các công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch và môi trường tại Hoa Kỳ và châu Âu gồm: Công ty Energy Capital VietNam (ECV), Công ty TNHH Allotrope Partners (AP), Công ty Chart Industries (CI), Công ty Babcock&Wilcox (B&W).

Các chuyên gia nước ngoài đánh giá chất lượng rừng trồng tại Tuyên Quang.

Cũng “đắt hàng” không kém, Quảng Nam từ năm 2020 đã có những công ty uy tín trên thị trường mua bán carbon tự nguyện đặt vấn đề mua tín chỉ carbon rừng gồm: Công ty Everland (Mỹ), Liên minh South Pole từ Thụy Sĩ và Shell Việt Nam, Liên minh Terra Global từ Mỹ và ENI từ Ý, Công ty BP từ Vương quốc Anh, Liên minh Althelia và Mirova từ Vương quốc Anh.

Nhiều điều khoản có lợi cho địa phương được các công ty nói trên đưa ra như đề xuất mức giá từ 5 USD/tín chỉ trở lên, linh hoạt về giá: 50% tín chỉ có giá cố định là 5 USD và 50% còn lại có giá 80% giá thị trường tại thời điểm bán; cung cấp miễn phí một điều phối viên REDD+ làm việc cho tỉnh trong 6 tháng, cung cấp tài chính trước sau khi tỉnh hoàn thiện Hồ sơ dự án; hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các khoản đầu tư tài chính trước...

Rừng được chăm sóc, quản lý và bảo vệ tạo thành bể chứa carbon khổng lồ.

So với những khách hàng truyền thống của rừng như các doanh nghiệp chế biến lâm sản, du lịch sinh thái, cây dược liệu dưới tán rừng…; thì những khách hàng mua tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn thu mới không kém phần hấp dẫn, là nguồn lực mới rất đáng kể cho các địa phương bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng núi còn nghèo, đang sống phụ thuộc vào rừng.

Thị trường tín chỉ carbon rừng được hình thành dựa trên nguyên tắc các khu vực, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn sẽ phải mua tín chỉ carbon của khu vực,  các nước phát thải thấp và có độ phủ rừng cao.

Theo lộ trình, hiện Việt Nam đang xây dựng dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Đến hết năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon...

Đến năm 2028, mới vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức với các hoạt động kết nối, trao đổi trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Với lộ trình này, hiện nay Tuyên Quang cũng như nhiều tỉnh có độ che phủ rừng lớn trong cả nước chưa có khung pháp lý để giao dịch tín chỉ carbon rừng, dù không thiếu khách hàng đến mua.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang và các đại biểu tại Hội thảo về phát triển thị trường carbon - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam, ngày 23-11-2023.

Tháng 6/2023, trong cuộc làm việc của UBND tỉnh Tuyên Quang với KOICA, Công ty SK Forest bày tỏ muốn đề cập nội dung này trong ý định thư. Vấn đề công ty băn khoăn là để bắt đầu thực hiện các hoạt động của KOICA cũng như xây dựng văn kiện dự án, cần thực hiện những thỏa thuận nào?  Quan điểm của chính phủ và địa phương về các dự án REDD+ có sự tham gia của khu vực tư nhân như thế nào? Đã có dự án tư nhân nào như vậy tại địa phương hay chưa?

Ngoài ra còn có nhiều câu hỏi khác được nêu như vai trò pháp lý của tỉnh, của ngành Nông nghiệp, đã hoặc sắp có những quy định nào liên quan đến quyền các bon rừng, chia sẻ lợi nhuận và các thủ tục để đăng ký? Cần những giấy phép hay thủ tục phê duyệt nào? những quy định liên quan đến quyền các bon rừng, chia sẻ lợi nhuận và các thủ tục để đăng ký, những giấy phép hay thủ tục phê duyệt nào? Cần những thỏa thuận nào để bảo đảm quyền phát triển dự án và mua bán các bon?

Đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và các công ty tư nhân mảng trồng rừng và giảm khí thải Hàn Quốc do bà Choi Jeyun, Phó Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang, tháng 3-2023.

Đối tác cũng rất quan tâm đến việc giải quyết những khiếu nại về quyền sở hữu tín chỉ carbon, các thỏa thuận đền bù cho đầu vào của dự án, các khoản thuế có liên quan, giá của tín chỉ carbon và việc chia sẻ các rủi ro trong dự án và rủi ro về chính trị giữa dự án và bên mua...

Hàng loạt các vấn đề đặt ra, cũng là hàng loạt vướng mắc về khung pháp lý trong việc bán tín chỉ carbon hiện tỉnh chưa thể có câu trả lời.

Nhìn ra các địa phương có độ che phủ rừng lớn khác, chúng tôi cũng thấy tình hình tương tự.

Cánh rừng đầu tiên được cấp chứng chỉ FSC tại xã Tiến Bộ (Yên Sơn) từ năm 2016.

Tìm hiểu tại Đồng Nai thì thấy mặc dù có nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch và môi trường tại Hoa Kỳ và châu Âu đặt vấn đề giao dịch tín chỉ carbon rừng, nhưng Đồng Nai vẫn đang chờ khung pháp lý cụ thể của Chính phủ để xây dựng đề án xác định khối lượng giá trị carbon và xin cơ chế tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Đi xa hơn một bước, tỉnh Quảng Nam với diện tích gần 500.000 ha rừng, độ che phủ hơn 60%, đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về chủ trương cho tỉnh nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng (Công văn số 3479/VPCP-NN ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ). Nhưng đến nay đề án vẫn chưa được phê duyệt.

Vướng mắc còn ở chỗ lĩnh vực tín chỉ carbon quá mới và hồ sơ trình thẩm định phải qua Tổ chức quốc tế; chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu; để có cơ sở hoàn trả vốn đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư phì phải được Thủ tướng chính phủ thống nhất chủ trương thì mới triển khai được...

Giống như Quảng Nam, tỉnh Bình Thuận cũng tiềm tàng lượng tín chỉ carbon rừng dồi dào. Từ năm 2013 đến 2018, Bình Thuận tham gia giai đoạn II của Chương trình hợp tác Liên hợp quốc về phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước phát triển. Tỉnh cũng đã xây dựng được Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng” giai đoạn 2016-2020.

Với độ che phủ trên 65%, rừng Tuyên Quang là bể chứa carbon khổng lồ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, việc mua bán tín chỉ carbon rừng cũng chưa được thực hiện. Trong thời gian tới, Bình Thuận là một trong 11 tỉnh dự kiến tham gia thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).

Được biết, hiện Việt Nam mới có 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) với Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó,  lần đầu tiên tại Việt Nam, 10,3 triệu tấn CO2 - kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ  được bán cho Quỹ FCPF ủy thác qua Ngân hàng IBRD để nhận về khoảng 51,5 triệu USD.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và góp phần thực hiện cam kết Netzero của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26.

Vấn đề đặt ra là những địa phương đã đạt độ che phủ rừng trên 65% như Tuyên Quang - đã vượt xa mục tiêu 43% của Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh - có nhất thiết phải đợi đến năm 2028 mới được giao dịch tín chỉ carbon như lộ trình chung của cả nước? Bởi khi đã có tiềm năng carbon dồi dào mà vẫn đợi như thế, mỗi năm địa phương sẽ bỏ phí nhiều triệu USD - một trong những nguồn lực thế giới đang phải đau đầu tìm kiếm để bảo vệ và phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu.  

 

Bài 1: Bài học giữ rừng và giúp dân sống nhờ rừng  

Bài 3: Thí điểm thị trường carbon rừng - Tránh bỏ lỡ cơ hội