Bài 1: Bài học giữ rừng và giúp Dân sống nhờ rừng

Khi câu chuyện giữ rừng và “khí trời” trong rừng thành tín chỉ các bon bắt đầu nóng trên các diễn đàn, thì ở Tuyên Quang, chuyện trồng rừng, giữ rừng để có được bể chứa các bon khổng lồ như hiện nay đã được chính quyền và nhân dân nhận thức từ rất sớm. “Khí trời” chưa thành tiền, nhưng rừng đã đem lại cho người dân Tuyên Quang những giá trị vô giá.

Để đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 65% như hiện nay, Tuyên Quang đã phải trải qua nhiều thập kỷ vừa làm vừa sửa sai chính sách, đúc rút thành những bài học kinh nghiệm quý.

GẦN 30 năm trước, câu chuyện đóng cửa rừng sản xuất ở Tuyên Quang từng gây xôn xao, khi nhiều diện tích cây lâm nghiệp đến tuổi nhưng không được khai thác, dẫn đến người trồng rừng nói chung và các công ty lâm nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng rất lớn.

Rừng trồng của người dân Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn).

Gắn bó với rừng đã gần nửa đời người, ông Nguyễn Hồng Thái, nguyên là công nhân Lâm trường Tuyên Bình (Yên Sơn), hiện là Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) đến giờ vẫn nhớ những hệ lụy từ đóng cửa rừng sản xuất và cả chuyện trồng rừng mật độ dầy cách đây 30 năm. Ông Thái kể, việc đóng cửa rừng sản xuất – bên cạnh mục đích chính là bảo vệ tài nguyên rừng, nhưng lại khiến những công nhân như ông “xanh ruột” vì đói. Sống với rừng, ngoài nguồn thu nhập từ rừng, thì làm gì còn nguồn thu nào khác.

Các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu cây giống trồng rừng cho nhân dân.

Sau này, khi phổ biến mật độ cây lâm nghiệp 4.444 cây/ha, ông Thái cũng mở một vườn ươm chuyên cung cấp cây cho các công ty lâm nghiệp. Mật độ dày, người làm nghề ươm cây như ông có thêm thu nhập, nhưng ông bảo, cũng cảm thấy rất xót xa. Vì chỉ những người có chuyên môn mới hiểu, mật độ cây ấy là quá dày, không có đủ không gian, dinh dưỡng để cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt. Rừng khi ấy gần như chỉ khai thác để băm dăm, giá trị thu được từ rừng không cao.

Người dân Lâm Bình trồng rừng phủ xanh đất trống.

Ông Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, người từng có nhiều năm gắn bó với quá trình phát triển rừng ở Tuyên Quang cho rằng, Tuyên Quang đã làm rất tốt việc phát triển rừng nhưng có giai đoạn tỉnh hơi “cứng nhắc” trong việc bảo vệ tài nguyên rừng. Do đó, nhiều diện tích rừng đã quá tuổi khai thác nhưng vẫn bị “cấm”, ảnh hưởng đến chất lượng gỗ và đời sống của người trồng rừng.

Đã có nhiều ý kiến phản ánh của người dân về các bộ ngành Trung ương, mong muốn tỉnh điều chỉnh chính sách khai thác gỗ rừng trồng, bảo đảm quyền lợi của người dân. Sửa chữa sai lầm, tỉnh đã có những quyết sách mạnh tay và phù hợp, đảm bảo vừa giữ được rừng, dân vừa có thu nhập. 

KIẾN Thiết là một xã vùng khó của huyện Yên Sơn có 8.100 ha đất rừng. Có thời Kiến Thiết chỉ toàn đồi núi trọc vì tập quán canh tác của đồng bào người Mông, Nùng, Tày… phát nương làm rẫy, cộng thêm xã có độ dốc lớn nên thời điểm đó người dân phải đối diện với thiên tai do lũ ống, lũ quét gây ra. Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661, Kiến Thiết đã trồng 7.300 ha rừng sản xuất, bảo vệ trên 1.000 ha rừng phòng hộ. Toàn xã không còn thôn nào để đất trống, đồi trọc. Kinh tế rừng trồng đem lại cho người dân trên địa bàn xã khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Rừng chò chỉ được người dân xã Trung Trực (Yên Sơn) trồng, chăm sóc và bảo vệ..

Không chỉ ở Kiến Thiết, các phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” được phát động ở khắp các địa phương của Tuyên Quang. Với phương châm “gần trồng trước, xa trồng sau; dễ trồng trước, khó trồng sau”, diện tích đất trống đồi núi trọc dần được thu hẹp, độ che phủ của rừng trước năm 1990 chỉ đạt dưới 40%, nay đã đạt 65%.

Rừng tự nhiên ở Na Hang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Bắt đầu từ năm 2007, tỉnh Tuyên Quang thực hiện quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) trên địa bàn tỉnh. 
Sau phân 3 loại rừng, chính sách liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất đã gắn được quyền lợi và trách nhiệm của các công ty với người lao động đến sản phẩm cuối cùng. Do đó, sản lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao, rừng đã có chủ thực sự, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng trồng được hạn chế tối đa. 
Diện rừng do nhân dân trồng chiếm từ 80% đến 85% diện tích rừng trồng hàng năm của cả tỉnh. 

TUyên Quang có tổng diện tích rừng trên 426 nghìn ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng trên 45,5 nghìn ha, diện tích rừng phòng hộ trên 115 nghìn ha, còn lại là diện tích rừng sản xuất.

Do biên chế kiểm lâm mỏng, 257 biên chế, nhiều diện tích rừng tự nhiên đặc dụng, phòng hộ chưa có chủ quản lý theo quy định. Bình quân 1 biên chế kiểm lâm phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ trên 1.700 ha rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn, phức tạp.

Sau nhiều lần điều chỉnh, giai đoạn 2024-2028, tỉnh dành kinh phí trên 36 tỷ đồng để hợp đồng với 84 lao động làm nhân viên tuần rừng để hỗ trợ các Hạt Kiểm lâm bảo vệ rừng. Được bổ sung lực lượng, các chốt bảo vệ rừng được đặt sâu trong rừng, tại các vị trí quan trọng đã hạn chế đáng kể tình trạng săn bắt động vật rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát đốt rừng để làm nương rẫy.

Nhiều nhân viên tuần rừng là người dân địa phương thông thạo địa hình, hiểu biết sâu rộng về kiến thức bản địa, phong tục, tập quán... đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc nắm bắt thông tin cũng như công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài thuê nhân viên tuần rừng, đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang đều có lời thề bảo vệ rừng, thực hiện trong nghi lễ cúng thần rừng, lễ cầu làng... hàng năm.

Người Dao ở Tuyên Quang có Lễ Cầu làng vào các ngày 2/2, 6/6 và 25 tháng Chạp hàng năm. Bà con người Nùng có Lễ cúng thần rừng vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm, cầu mong thần rừng bảo vệ sự bình an cho dân làng và nhắc nhở các thành viên trong thôn không được chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Người Tày lại có Lễ “Kin khẩu mẩu” tại nhà thầy cúng của thôn vào tháng 9 âm lịch. Ngoài việc mừng cơm mới, buổi lễ còn có nghi thức cúng Thần rừng, xin rừng che chở cho dân làng được bình yên, no đủ.

Cán bộ kiểm lâm Na Hang tuần tra, bảo vệ rừng (ảnh trái:). Người dân thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh (Yên Sơn) cùng cán bộ kiểm lâm tuần rừng (ảnh phải). 

Đồng bào quan niệm rằng, mỗi khu rừng đều có thần cai quản. Vào rừng muốn chặt cây thì phải xin phép thần, hằng năm phải trồng thêm cây non vào mỗi mùa xuân để rừng luôn xanh tốt. Để tạ ơn thần rừng, năm nào vào dịp đầu xuân đồng bào cũng tổ chức lễ cúng ngay tại khu rừng thiêng. Trong khu rừng này, mọi người dân trong thôn bản đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong rừng... 

Từ những phong tục đẹp này, người dân Tuyên Quang luôn giữ tốt rừng phòng hộ, không ai chặt gỗ, phá rừng. Các bản làng không còn những cơn lũ quét khủng khiếp như ngày xưa.

Cán bộ Kiểm lâm Lâm Bình tuần rừng khu vực Hồ sinh thái  Na Hang – Lâm Bình.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 1998-2013, Tuyên Quang xảy ra 15 trận lũ quét, làm chết 6 người, bị thương 2 người, cuốn trôi 14 nhà, vùi lấp 118 ha ruộng canh tác, mất trắng 1.406 ha lúa, màu; phá hỏng 17 đập thủy lợi  kiên cố, bán kiên cố, 191 công trình thủy lợi tạm. 62,5 km kênh đã kiên cố; sạt lở trên 14.000 m đường giao thông. Thiệt hại ước tính trên 300 tỷ đồng.

Nhưng 9 tháng 2023, toàn tỉnh chỉ có 4 đợt thiên tai, ước thiệt hại gần 3 tỷ đồng.

Ông Hoàng Kim Sơn ở Nà Tang, xã Trung Hà (Chiêm Hoá) kể, trước đây người Nà Tang quen phát rừng làm nương. Khoảnh nương này bạc màu, lại phát khoảnh nương khác. Cứ thế, rừng ở Nà Tang mất dần, thay bằng nương ngô, nương sắn, nương lúa… Mùa khô, nước trong khe không chảy. Người Nà Tang phải lần lên núi tìm nguồn nước về dùng. Mùa mưa, lũ từ đâu kéo đến cuốn phăng đàn trâu, mái nhà.

Đời sống người Nùng ở Đèo Trám, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) ngày càng ấm no nhờ có rừng.

Sau này, khi Nhà nước phân 3 loại rừng, rồi thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, rừng ở Nà Tang dần được phục hồi, bảo vệ tốt, nước suối từ khe chảy qua nhà róc rách quanh năm. Có nước, bà con bảo nhau làm ruộng. Lâu lắm rồi, ở bản không xảy ra trận lũ nào. Tiền từ nguồn giao khoán bảo vệ rừng giúp Nà Tang làm được nhiều việc lớn của bản.

 

 

Ông Ma Đức Hưu
 Trưởng thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà (Chiêm Hóa)

"Thôn Bản Ba 1 hiện nay có 150 ha rừng tự nhiên. Hàng năm, tiền khoán bảo vệ rừng được 60 triệu đồng. Trong đó trích 50% trả cho các thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng, 50% để xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn như cầu, đường, phục vụ sửa chữa các công trình nhà văn hoá… "
BẢO vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, Tuyên Quang hiện cũng là địa phương đi đầu trong phát triển, mở rộng diện tích rừng theo tiêu chuẩn FSC. 
Năm 2023, tỉnh có 48.786,37 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Con số trên cũng đã đưa Tuyên Quang trở thành một trong số các tỉnh đứng TOP đầu về diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Chính vì điều này, Tuyên Quang trở thành điểm đến của các ông lớn ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Điển hình như: Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam, Công ty cổ phần giấy An Hòa và nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khác.

Anh Sèn Văn Phủi, dân tộc Nùng, thành viên nhóm chứng chỉ rừng FSC xã Tiến Bộ đầu tiên của thôn cũng là đầu tiên của Tuyên Quang hồ hởi bảo, từ ngày đầu làm rừng FSC đến nay đã hơn 8 năm, kinh nghiệm đã đầy mình rồi.  Sèn Văn Phủi so sánh, 1 ha rừng cùng chủng loại có chứng nhận FSC đang bằng với 1,2 ha rừng cùng chủng loại trồng thông thường. Cái lợi nữa là người dân sử dụng nước, chăn con trâu, con dê dưới tán rừng không lo ngại bị ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật.

Cán bộ ngành lâm nghiệp làm việc về giải pháp mở rộng diện tích rừng FSC.

NGHỊ quyết số 36 - NQ/TU Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xác định mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái và cây dược liệu dưới tán rừng.

Inforgaphic trích Nghị quyết số 36-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030.

Về du lịch sinh thái, Tuyên Quang hiện đang đẩy mạnh các tour du lịch rừng tại các dịa phương có tiềm năng, lợi thế như tour du lịch cho du khách tham quan những cây nghiến cổ thụ tại khu vực Giàn Tre, Đường Gòng thuộc Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng; quần thể nghiến cổ thụ tại khu rừng Khau Tép, Pá Lịa thuộc thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh; cây nghiến "bàn tay" thuộc khu rừng Đông Đăm, Tát Loỏng thuộc thôn Bản Bung, xã Thanh Tương. Ngoài ra nghiến còn có ở các xã Năng Khả, Sinh Long, Côn Lôn thuộc huyện Na Hang; tour du lịch khám phá Núi Hồng (Tân Trào); tour khám phá Bản Ba (Chiêm Hóa)…

Rừng ở Tuyên Quang có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá.

Rừng đặc dụng Tân Trào có gần 4.000 ha, trong đó có trên 3.100 ha rừng tự nhiên. Ở đó có những cây gù hương, nghiến, lim xanh vươn cao cả mấy chục mét. Dưới tán rừng là một kho tàng cây thảo dược đồ sộ như giảo cổ lam, thiên nhiên kiện, sâm cau. Chủ homestay Tiến Phương, thôn Tân Lập, xã Tân Trào ý thức được rằng, rừng giúp họ nâng cao chất lượng homestay ở mặt sinh thái môi trường, cảnh quan và ẩm thực. Du lịch sinh thái ngày càng được tỉnh chú trọng, kết nối thành những tua tuyến, xây dựng dịch vụ, sản phẩm du lịch cụ thể như  Tân Trào cũng có tour khám phá vẻ đẹp của khu rừng già nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu, khám phá núi Hồng.

Du khách Nguyễn Thu Phương, một Việt kiều Mỹ rất ấn tượng với hệ thống rừng nguyên sinh hàng nghìn ha bao bọc lấy quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Chị bày tỏ, về Tân Trào đúng nghĩa là về nguồn, về với mẹ thiên nhiên, được đắm mình trong bầu không khí an lành.

Du khách khám phá rừng ở Tân Trào (Sơn Dương).

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có diện tích bảo vệ trên 61.300 ha, trong đó có 8.000 ha vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Na Hang và Lâm Bình. Quỹ Bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình được Chính phủ công nhận là Danh thắng Quốc gia đặc biệt. Khu bảo tồn có hệ động vật phong phú và đa dạng sinh học về thành phần, chủng loại, cũng như về số lượng cá thể; trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, đã được ghi trong sách đỏ thế giới. Tại đây có gần 1.200 loài thực vật bậc cao và là khu vực nhiều rừng nguyên sinh có nguồn gene thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao.

Khách du lịch khám phá thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) và khám phá tour Bó Kim – Nà Niếng, xã Thanh Tương (Na Hang).

Hiện hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Bắc Kạn đang phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Hai khu bảo tồn này có một vùng đệm và 2 vùng lõi rộng lớn là Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, Lâm Bình, Vườn quốc gia Ba Bể. Trên thực tế, 2 khu bảo tồn này đã kết nối tua tuyến du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - hồ thủy điện Tuyên Quang - Bắc Mê (Hà Giang) và ngược lại qua Chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" rất có hiệu quả.

Nhu cầu du lịch, trải nghiệm không khí trong lành từ rừng đang trở thành lựa chọn của nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách từ các đô thị lớn. Những giá trị vô giá mà rừng đem lại cho sức khỏe con người được thể hiện khi lượng khách du lịch tìm đến Tuyên Quang ngày càng tăng qua các năm.

Năm 2023, thu hút trên 2,6 triệu lượt khách, đạt 106% kế hoạch. Khu du lịch Tân Trào trên 800 nghìn lượt. Khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình: gần 300 nghìn lượt.

Du khách hào hứng khám phá các điểm du lịch tại Tuyên Quang.

 

 

Trải nghiệm của du khách Quang Minh - BTV Đài THVN

"Đây là lần đầu tiên tôi đến Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Chuyến đi lần này là chuyến đi mở đường, sau đó phối hợp với các địa phương như Bản Ba để mở hướng mới cho du khách khi đến với núi rừng Tuyên Quang, Chiêm Hóa, cụ thể là Bản Ba, để mọi người có trải nghiệm tuyệt vời nhất ở khu vực thác này. Thác gồm 3 tầng và nhiều dòng nhỏ. Tôi đã đi nhiều con thác, nhưng đây là con thác đẹp một cách kiều diễm và rất hấp dẫn. Tiềm năng du lịch ở đây rất lớn. Rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ để khách du lịch có trải nghiệm tuyệt vời như cá nhân tôi. Ở đây có hệ thống thiết bị bảo hiểm an toàn, với những sản phẩm du lịch hoàn toàn mới… Khi rời Bản Ba, mọi người sẽ có những cảm xúc - đó chính là lời mời quay trở lại nơi này cùng với những người bạn khác nữa". 

Giúp người trồng rừng nâng cao thu nhập, Tuyên Quang đang có 460 ha cây dược liệu được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân. Trong đó, cây dược liệu dưới tán rừng có khoảng hơn 100 ha, tập trung ở các huyện: Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... với các loại cây đặc trưng như giảo cổ lam, khôi nhung, xạ đen, cà gai leo... Đặc biệt, ở huyện Lâm Bình còn sưu tầm được một loại thảo dược quý là trà hoa vàng hay “Kim hoa trà”, trà trường thọ được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trà”, đang trồng thử nghiệm để tiến tới nhân rộng. 

Từ năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó định hướng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng với mục tiêu: Giai đoạn 2016-2020 trồng 1.200 ha cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, giai đoạn 2021-2025 trồng 300 ha. 

Nhiều cây trồng có diện tích lớn như cà gai leo gần 49ha, thảo quả 54ha, hương nhu 33ha, khôi nhung 10ha, sa nhân 15ha... Theo tính toán của ngành chức năng, việc đưa cây dược liệu vào trồng hiện đang đạt giá trị kinh tế cao hơn 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng truyền thống. Đơn cử như giá bán khôi nhung hiện nay 180.000 – 250.000/kg lá khô. Hay sâm bố chính giá dao động từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng/kg.

Cây khôi nhung được đưa vào trồng ở Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa.

Lâm Bình là một trong những huyện đã và đang triển khai mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng hiệu quả của tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Bình có khoảng 100 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với rất nhiều loại dược liệu được người dân lấy từ tự nhiên về trồng như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, thảo quả…

Hàng trăm năm nay, người Dao đỏ xã Bình An (Lâm Bình) vốn nổi tiếng với những bài thuốc nam gia truyền chữa các loại bệnh về gan, thận, phổi, thuốc lá tắm... Trước đây các ông lang, bà mế người Dao thường lên rừng tìm lá thuốc, qua thời gian nguồn tài nguyên đó dần cạn kiệt. Và người khởi phát trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng thuận tự nhiên không ai khác là những người trẻ nơi đây.

Cùng với người dân, nhiều doanh nghiệp đã đến Tuyên Quang, xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển dược liệu như Tập đoàn TH TrueMilk, Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm, Công ty TNHH Mai Kỳ Thành...

Dược liệu dưới tán rừng đang trở thành nguồn thu đối với người trồng rừng ở Tuyên Quang.

Lâu nay, nhiều địa phương vẫn tiếp cận rừng dưới góc độ lâm sinh, lâm nghiệp với các giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ; mà chưa tiếp cận theo giá trị đa dụng của hệ sinh thái. Cách Tuyên Quang vừa phát triển và bảo vệ rừng, vừa kích hoạt đa giá trị từ rừng gắn với xây dựng nông thôn mới miền núi, quan tâm đời sống người làm rừng là hướng đi phù hợp với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Kích hoạt đa giá trị rừng vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân trồng rừng và ở gần rừng, vừa giảm áp lực khai thác rừng, để giúp bảo vệ và phát triển rừng. Rừng càng lâu năm, sinh khối càng lớn thì việc giữ môi trường sinh thái càng hiệu quả, đồng nghĩa với việc lưu trữ, hấp thụ Carbon càng tốt hơn. 

Vậy carbon rừng là gì? Tại sao lại gọi carbon rừng là giá trị mới? Mời các bạn theo dõi bài viết tiếp theo của chúng tôi. 

►Bài 2: Tín chỉ carbon - Giá trị mới từ rừng

Bài 3: Thí điểm thị trường carbon rừng - Tránh bỏ lỡ cơ hội