Quyết liệt ngăn chặn nạn kích diệt giun đất - Bài cuối: Cần mạnh tay hơn

- Nạn kích giun đất lại hoành hành từ đầu năm 2023, chủ yếu ở các địa phương tả ngạn bờ sông Lô, nơi đất đai màu mỡ. Trước tình trạng này, UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo, các địa phương đã vào cuộc ngăn chặn. Tuy nhiên, nạn tận diệt "máy cày sinh học" của đất vẫn diễn ra ở một số xã tại huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Ngăn chặn triệt để nạn "giun tặc" đòi hỏi cộng đồng dân cư, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý quyết liệt hơn.

Bài 1: Trở lại “điểm nóng”

Chưa nhận diện hết nguy hại 

Một số người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) ngang nhiên kích giun giữa "thanh thiên bạch nhật" nhưng không có ai báo chính quyền, tham gia bảo vệ, ngăn chặn tình trạng này. Ông Đ.V.C, xã Phúc Ninh chia sẻ, người dân chưa nhìn thấy tác hại cụ thể nên vẫn còn thờ ơ với nạn "giun tặc" chưa cảnh giác với đối tượng kích giun.

Tại xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã từng có thời điểm "nóng" nạn kích giun, người dân chưa nhận diện được hết mức độ nguy hại của việc tận diệt giun đất bằng kích điện. Ông M.Đ.H, xã Xuân Vân cho rằng, kích giun đất bán là nguồn thu nhập của nhiều hộ dân trong xã mấy năm nay khi mà giá bán bưởi và các loại nông sản khác xuống thấp. Ông phân bua, ông cũng như người dân ở đây chỉ kích giun trong vườn nhà mình, thập chí còn đang bón phân xuống vườn để nuôi giun sau này khai thác.

Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các thôn trên hệ thống loa truyền thanh của xã, họp thôn, mời các hộ dân tham gia đánh bắt, chế biến giun đất ký cam kết không thực hiện đánh bắt, chế biến. Đồng thời, lực lượng công an xã vận động các hộ giao nộp kích điện, dỡ bỏ lò sấy giun.

Hai người đang kích giun tại cánh đồng xã Sơn Nam (Sơn Dương).

Sau một tháng quyết liệt các giải pháp, cơ bản người dân đã hợp tác. Tuy nhiên, qua nắm bắt tâm tư của người dân, nhiều người dân có nguyện vọng nuôi giun đất tại vườn nhà để tăng thu nhập. Việc nuôi giun không vấn đề gì mà vấn đề ở đây là khi thu hoạch lại dùng kích điện đánh bắt. Việc sử dụng kích điện thì không chỉ tận diệt giun mà còn diệt hết các vi sinh vật, làm hỏng rễ cây trồng, làm chai lỳ đất, lâu dài không trồng trọt được. Hiện xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của việc dùng điện kích giun để người dân hiểu, chung tay với chính quyền bảo vệ đất đai.

Phản ứng về nạn "giun tặc" đang hoành hành ở các tỉnh miền Bắc, trong đó có tỉnh Tuyên Quang, Giáo sư Đỗ Kim Chung, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích, khi truyền dòng điện xuống lòng đất sẽ khiến không chỉ giun mà nhiều vi sinh vật sẽ chết, làm ảnh hưởng tới môi trường đất.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mỗi gram đất có tới 6 triệu vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Riêng giun đất được ví như "lưỡi cày sinh học" của nhà nông, giúp đất tơi xốp; là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng của đất, tạo điều kiện sinh ra các chất hữu cơ có lợi, giúp cây trồng phát triển tốt. "Giun, vi sinh vật chết đi sẽ làm giảm khả năng tái sinh độ phì nhiêu của đất, khiến đất nghèo đi, sa mạc hóa, cây trồng bị ảnh hưởng, thậm chí là chết", ông Chung cho rằng cơ quan chức năng cần nghiêm cấm kích giun, thậm chí phải xem đây là loại tội phạm hủy hoại môi trường.

Thiệt hại nhãn tiền

Theo phản ánh của ông Ma Văn Sơn, thôn Nà Lại, xã Tri Phú (Chiêm Hóa), việc kích giun đất bằng điện đã khiến vườn cây phật thủ của gia đình ông có hiện tượng vàng lá, sinh trưởng kém. Trước đó, lực lượng chức năng xã này đã thu giữ 3 bộ kích điện của các đối tượng đánh bắt giun đất, trong đó có 1 bộ thu được tại vườn phật thủ nhà ông Sơn.

Ông Ma Đình Văn, thôn Kim Quan, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) bức xúc, hơn 1.000 khóm chuối tiêu hồng của gia đình nay chỉ còn 2 khóm, trên 1.300 m2 ông phải chuyển sang cấy lúa. Nguyên nhân chuối mô chết là do khô rễ - hậu quả của nạn kích giun. Ông mong các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý triệt để nạn "giun tặc" để người dân yên tâm chăm bón đồng ruộng. 

Diện tích chuối tây ở xã Trung Trực (Yên Sơn) đã giảm nhiều so với trước, một phần do cây tự chết, một phần do những năm trước "giun tặc" làm chết rễ. Ông Đào Văn Xuân, thôn 4, xã Trung Trực cho biết, hiện gia đình có 4 ha chuối phải cử nhau trông coi để phòng khi có người vào kích giun còn đuổi không thì chết hết chuối.

Cùng xã, gia đình anh Hoàng Nhu có 700 gốc bưởi ngọt đã 8 năm tuổi ở lòng Lũng Trò, thôn Đồng Hon, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng, gia đình anh phải thức đêm thức hôm để canh "giun tặc". Anh bảo, không canh họ kích giun rụng hết quả, kích nhiều lần là chết cả cây. Vườn của anh có một số cây chết, đào lên xem, rễ co lại, có thể đã bị xung điện từ kích giun.  

Các máy điện kích giun người dân xã Xuân Vân (Yên Sơn) tự nguyện giao nộp cho Công an xã Xuân Vân.

Vườn bưởi của gia đình bà Lê Thị Sản, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên (Sơn Dương) là thu nhập chính của gia đình những năm qua, vườn cách nhà 30 phút đi bộ nhưng ngày nào bà cũng phải đảo qua 3 - 4 lượt vì sợ "giun tặc" tấn công. Bà Sản bày tỏ, chồng bà đi làm ăn xa, chỉ có 2 mẹ con ở nhà, cứ hôm nào bà không lên lán canh được thì hôm sau vườn toàn giun chết, cây cỏ khô héo. Sợ bưởi chết vì kích điện nên mệt mấy bà cũng phải cố đảo qua vườn. Dạo này, thấy công an xã ra quân kiểm soát nạn "giun tặc" mới có chút yên tâm. 

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại do kích giun gây ra, nhưng chắc chắn hậu quả thiệt hại là không thể đong đếm được nếu không ngăn chặn nạn "giun tặc" kịp thời.

Cần quyết liệt ngăn chặn từ nhiều phía

UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn bắt giun bằng kích điện theo Văn bản số 4197/UBND-KT, ngày 31-8-2023 của UBND tỉnh. Qua 1 tháng triển khai, nạn "giun tặc" đã giảm nhiều, không còn các điểm "nóng". Tuy nhiên, hiện nay "giun tặc" vẫn hoạt động, hình thức tinh vi hơn, các đầu nậu vẫn tiếp tay cho người kích, lò sấy giun vẫn đỏ lửa. Vì vậy, cần những hành động quyết liệt, đồng bộ, thống nhất hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cộng đồng để đấu tranh, ngăn chặn.  

Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: Huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc Văn bản 4197 ngày 31-8-2023 của UBND tỉnh, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và phối hợp xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trái phép.

Hướng dẫn các hộ tự bảo vệ đất của mình. Đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của thôn, xóm. Huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các xã tuyên truyền; nghiên cứu các quy định để tham mưu giải pháp xử lý trường hợp kích giun, thu mua, sơ chế giun đất gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, làm rõ nguồn gốc xuất xứ của máy kích, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm khi đủ căn cứ…

Ông Ma Đình Văn, thôn Kim Quan, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đề nghị các cấp ngành, cơ quan chức năng khẩn trương có quy định cụ thể để xử lý vấn nạn kích giun đất. Bởi tình trạng này kéo dài hỏng hết cây cối, đất đai.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bình Hứa Văn Hậu chia sẻ, Kim Bình nói riêng và các địa phương khác nói chung rất mong có một chế tài cụ thể cho tình trạng kích giun đất để có biện pháp xử lý triệt để.

Ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương, người dân và cơ quan chức năng đều bức xúc trước vấn nạn kích giun trên đất nông nghiệp. Tại các xã, nhiều máy kích giun đã bị lực lượng công an thu giữ nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với thực tế. Điều đáng buồn là phương án xử lý hiện nay chỉ có thể dừng lại ở việc tạm giữ, thu giữ tang vật, chưa có chế tài xử lý, xử phạt nhằm răn đe người vi phạm.

Theo đại úy Trần Chung Kiên, Trưởng Công an xã Trung Yên (Sơn Dương): Hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, theo Nghị định số 42 của Chính phủ sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 đến 50 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm. Trong khi đó, hành vi kích giun đất bằng xung điện cũng để lại hậu quả tương tự như kích cá nhưng lại chưa có trong quy định xử phạt. Vì vậy, đang rất khó khăn việc xử lý.

Để giải quyết dứt điểm vấn nạn kích điện giun đất, cùng với trách nhiệm cộng đồng dân cư, rất cần có thêm các chế tài xử phạt. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành những quy định, chế tài xử lý, xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe để kịp thời cứu đất nông nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.                                                                                                                                                                                                                                                                                                               Nguyễn Tâm


Đồng chí Vũ Đình Tân
Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa

Nghiêm cấm cán bộ cơ sở "bắt tay" đối tượng kích diệt giun

Trước thực trạng nạn kích diệt giun đất xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phải phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất theo quy định của pháp luật hiện hành. UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương, cán bộ xã nghiêm cấm việc "bắt tay" hoặc "làm ngơ” với các đối tượng có hành vi kích diệt giun hủy hoại môi trường, khuyến khích người dân phát giác, thông báo với cơ quan chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện đánh bắt giun đất, thu mua và sơ chế giun đất để có chế tài xử lý.


Đại úy Trần Chung Kiên
Trưởng Công an xã Trung Yên (Sơn Dương)

Cần dỡ bỏ các cơ sở chế biến giun

Lực lượng công an xã Trung Yên đã phối hợp với dân quân vừa ra quân đồng loạt, thu giữ tất cả các phương tiện, thiết bị kích bắt, nên tình trạng kích giun gần như đã không còn. Để ngăn chặn hiệu quả, triệt để, tôi cho rằng chính quyền, lực lượng chức năng tại các địa phương phải có sự phối hợp, đồng loạt ra quân, tránh tình trạng xã làm, xã không sẽ xảy ra việc địa phương này làm rốt ráo các đối tượng dạt sang địa phương khác kích diệt. Cùng với đó, lực lượng chức năng phải kiên quyết mạnh tay dỡ bỏ các cơ sở chế biến giun. Khi các cơ sở bị dẹp bỏ, chắc chắn nạn kích giun sẽ giảm, bởi giun kích bắt về sẽ phải sơ chế, sấy ngay trong ngày, nếu không giun chết sẽ phân hủy rất nhanh.



Ông Giang Văn Mạnh
Thôn An Lâm, xã Thái Sơn (Hàm Yên)

Mong cơ quan Công an thu giữ triệt để máy kích giun

Tôi rất lo lắng khi gần đây lại "nóng" trở lại nạn kích giun đất. Hiện gia đình tôi có trên 13 ha cam, trong đó trên 7 ha cam sành trồng tại xã Bằng Cốc, trên 6 ha cam Cao Phong, V2 đã 5 năm tuổi trồng ở thôn Thái Bình, cách nhà 7 km. Chỉ sợ "giun tặc" lại vào đánh trộm ban đêm thì hỏng hết rễ cam. Đề phòng người nơi khác đến kích trộm giun trong vườn đồi, gia đình tôi đã phải cắt cử người trông coi nhưng vẫn lo ngay ngáy. Tôi mong các cơ quan chức năng của tỉnh, đặc biệt lực lượng Công an có biện pháp thu giữ hết máy kích điện, vừa để phòng ngừa thiệt hại cho đất, cây trồng, vừa đảm bảo an ninh ở cơ sở.



Đồng chí Ma Văn Phú
Trưởng thôn Bẩng, xã Công Đa (Yên Sơn)

Cần truy đến người bán, người thu mua

Cần truy đến người bán, người thu mua Mặc dù trên địa bàn xã Công Đa chưa xảy ra trường hợp nào bị xử lý do kích diệt giun đất, nhưng tôi rất mong muốn Đảng ủy, UBND xã và cơ quan chức năng phải có chế tài xử lý, đề nghị Công an xã truy đến người bán, người thu mua, phải tiến hành vận động thu hồi những dụng cụ kích giun; dẹp lò sấy giun triệt để, bởi tận diệt giun là hủy hoại môi trường, hủy hoại sản xuất nông nghiệp, hành vi rất đáng lên án. Đồng thời, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần yêu cầu các đối tượng kích giun phải đền bù thiệt hại cho các chủ vườn cây ăn quả, để chấm dứt nạn "giun tặc" hoành hành, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Tin cùng chuyên mục