Cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm

- Dự báo của ngành Công thương, nhu cầu mua sắm dịp cuối năm giáp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 3% đến 20% theo từng nhóm hàng. Để bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm trước, trong và sau Tết, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và có phương án dự phòng trước những biến động bất ngờ.

Mặc dù ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động đến chuỗi cung ứng, nhưng lượng hàng hóa được các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán lẻ dự trữ chuẩn bị bán Tết vẫn tăng vào dịp cuối năm, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, bình dân. Các chợ đầu mối và truyền thống trên địa bàn tỉnh đa dạng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt là hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Hiện nay, một số hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh đã có sẵn nguồn hàng để cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp cuối năm. Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường đầy đủ hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết hơn 20 tỷ đồng. Về cơ cấu lượng hàng dự trữ dịp Tết năm nay, chị Vũ Hương Giang, Phó Quản lý siêu thị Tuyên Quang thuộc Công ty cổ phẩn Khoáng sản Tuyên Quang  cho biết, các mặt hàng dự trữ đã được công ty chuẩn bị trước 1 tháng so với những năm trước, nguồn hàng chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, công ty cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước và sau Tết. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá tại các điểm bán hàng trên toàn tỉnh.

Siêu thị Tuyên Quang chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Hiện nay, dịch bệnh dần được kiểm soát đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá các mặt hàng phục vụ Tết. Bà Nịnh Hương Giang, tổ 12, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, bây giờ hàng hóa đa dạng, nhiều điểm bán hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ trung tâm giá cả không ổn định. Bà Giang cho rằng, dù thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng vào dịp Tết Nguyên đán thì người dân vẫn phải mua sắm những mặt hàng thiết yếu để có cái Tết đầm ấm.

Ông Hoàng Văn Hùng, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, cuối năm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh, đây cũng là thời gian hay xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Để bình ổn thị trường hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại.

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử lý 303 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Riêng tháng 11 đã phát hiện xử lý 43 trường hợp, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 978,3 triệu đồng, giá trị hàng tịch thu hơn 61 triệu đồng, giá trị hàng tiêu hủy hơn 650 triệu đồng với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng; hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng giả và quyền Sở hữu trí tuệ... Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý những vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại, đảm bảo ổn định thị trường.

Năm nay, các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa đồng loạt giảm giá dịp cuối năm để kích cầu tiêu dùng và không bị dồn áp lực mua sắm vào những ngày cận Tết. Chương trình kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng được các doanh nghiệp bán lẻ lên kế hoạch chi tiết với nhiều hình thức như khuyến mãi, tặng kèm sản phẩm, bốc thăm trúng thưởng, bán hàng trực tuyến, chính sách giao hàng tại nhà... nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. 

Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại - xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 gửi các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lớn trên địa bàn chuẩn bị hàng hóa đảm bảo chất lượng. Đồng thời, theo dõi diễn biến thị trường, đánh giá sát nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại các địa bàn quản lý để chủ động có phương án cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 siêu thị bán hàng Việt và cửa hàng bán sản phẩm OCOP. Do vậy người dân có thêm lựa chọn mua sắm hàng hóa chất lượng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Để bình ổn thị trường, các ngành chức năng phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức các đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần mang đến cho mỗi gia đình mùa xuân ấm áp, tươi vui.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục