Khơi thông nguồn vốn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp

- Những tháng cuối năm, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn do phải gấp rút hoàn thành đơn hàng và chuẩn bị cho năm kinh doanh 2023. Để phù hợp với thực tiễn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi cho vay kích cầu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại VietcomBank Tuyên Quang.

Với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, nhiều giải pháp, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ giúp giảm áp lực cho khách hàng trong trả nợ vay được triển khai hiệu quả, kịp thời. Thời điểm này, lãi suất huy động tăng, nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên duy trì ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay các đối tượng sản xuất kinh doanh chỉ từ 6,0 - 11,5%/năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.195 khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 510 tỷ đồng, cơ cấu cho 34 khách hàng doanh nghiệp với tổng giá trị nợ là 377 tỷ đồng; số dư nợ được miễn giảm lãi cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là  hơn 186 tỷ đồng, số tiền được miễn giảm là 470 triệu đồng, số khách hàng được miễn giảm là 18 khách hàng; hạ lãi suất trực tiếp đối với số dư hiện hữu là hơn 12.500 tỷ đồng cho trên 62.000 khách hàng... Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được tiếp cận vốn duy trì, mở rộng sản xuất mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh sau 2 năm dịch bệnh, cửa hàng văn phòng phẩm Thảo Huyên (Lâm Bình) tập trung đầu tư các loại văn phòng phẩm, bàn ghế lớp học phục vụ cho năm học mới 2022 - 2023. Chị Nguyễn Thị Huyên, chủ cửa hàng chia sẻ, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay 3 tỷ đồng từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, chị đã đầu tư trọng điểm vào các mặt hàng phục vụ ngành giáo dục như bàn, ghế phòng lớp học, bút, vở viết, giấy A4 và một số mặt hàng phục vụ dạy học. Bởi năm nay dịch bệnh được kiểm soát, các em học sinh được đến trường nên nhu cầu về các mặt hàng này cần nhiều. Nhờ có sự hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngân hàng mà chị duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, doanh thu hàng năm đạt 5 - 6 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cửa hàng gặp nhiều khó khăn được ngân hàng tăng hạn mức cho vay, điều chỉnh lãi suất phù hợp giúp cửa hàng duy trì phát triển ổn định.

Từ nguồn vốn vay của BIDV, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của chị Lương Thị Hiền,
xã Phúc Ứng (Sơn Dương) có điều kiện phát triển hơn.

Cũng được vay vốn từ ngân hàng, chị Lương Thị Hiền, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đã mở rộng đầu tư kinh doanh gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, điện nước... Chị Hiền bảo, từ năm 2009 đến nay, BIDV luôn đồng hành cùng hoạt động kinh doanh của gia đình chị. Làm kinh doanh trong ngành vật liệu xây dựng cần rất nhiều vốn, vì phải cung cấp vật tư cho các công trình đến khi hoàn thiện mới thu được tiền. Có nhiều công trình, người dân phải nợ lại cả năm trời hoặc 1 vài năm mới thanh toán, nếu không được vay vốn thì chị khó lòng xoay sở. Hiện, chị đang được Phòng Giao dịch BIDV Sơn Dương tạo điều kiện cho vay hơn 1 tỷ đồng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối năm với lãi suất 6,5%/năm.

Dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi, nhu cầu sử dụng vốn của khách hàng tăng cao. Đến tháng 9, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 2.265 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng vẫn duy trì tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, rà soát cơ chế, thủ tục vay phù hợp với thực tiễn thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã dễ dàng hơn, chỉ cần doanh nghiệp và hộ kinh doanh có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và có tài sản đảm bảo có thể giải ngân ngay. Nhiều khách hàng truyền thống, có uy tín không cần tài sản đảm bảo cũng được vay vốn. Cùng với sự đa dạng của các chương trình tín dụng mà các ngân hàng triển khai với lãi suất ưu đãi thì các chương trình huy động vốn cũng được các ngân hàng đẩy mạnh, góp phần đảm bảo nguồn vốn đầu tư tín dụng trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục