Ảnh minh họa.
Trước thực trạng này, ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 hồi đầu năm nay khoảng 14%, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng thêm “room” tín dụng cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, dự kiến tín dụng năm nay có thể tăng lên đến 16%. Đây thật sự là một tin vui không chỉ đối với hệ thống các ngân hàng thương mại mà còn được cả thị trường, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận.
Quyết định này được đưa ra, theo giải thích từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là do tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn.
Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm từ 156.000 đến 200.000 tỷ đồng.
Thực tế, áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã giảm dần trong thời gian gần đây. Trong nước, lạm phát cũng được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỷ giá dịu dần; thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại. Đồng thời, nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm của doanh nghiệp và người dân tăng cao.
Trong tình hình hiện nay, quyết định nêu trên được đánh giá như một giải pháp linh hoạt, mềm dẻo và cần thiết nhằm khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, việc gần 200.000 tỷ đồng được “bơm” ra sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển; từ đó giúp ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, việc nới room tín dụng cũng góp phần bảo đảm thanh khoản, giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn cung ứng cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, như khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng sẽ theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhóm ngân hàng thương mại mới cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.
Song bên cạnh đó, áp lực cân đối vốn cũng tăng theo khi các tổ chức tín dụng được nhà điều hành yêu cầu phải cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mở rộng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát rủi ro kỳ hạn để bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh việc tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, bảo đảm thanh khoản, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục bám sát những dự báo, tình hình, nhất là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài. Chính phủ cần chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết