Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi FDI giai đoạn 2021-2025. (Ảnh minh họa: VGP)
Ðiểm mới của danh mục công bố lần này là các bộ, ngành, địa phương phải có thông tin chi tiết về mục tiêu thực hiện đối với từng dự án cụ thể cần gọi vốn ngoại. Vì vậy trong mẫu hồ sơ dự án gửi các đơn vị, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề nghị cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng khác như tổng quan về địa phương, gồm tiềm năng, lợi thế; tình hình phát triển kinh tế-xã hội; hạ tầng giao thông kết nối; nguồn lao động… Từ tài liệu đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể lượng hóa được các thông tin tham chiếu để cân nhắc bước đi đầu tiên là ra quyết định khảo sát đầu tư.
Ðây chính là một trong những nội dung được rút kinh nghiệm từ quá trình ban hành và triển khai thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án quốc gia giai đoạn 2016-2020. Ở giai đoạn này, có tổng cộng 127 dự án quốc gia được thiết lập để kêu gọi vốn FDI nhưng chỉ có 26% số dự án được rót vốn. Số còn lại không được lựa chọn vì nhiều nguyên nhân: Dự án ban hành đã không còn tính khả thi do thị trường, công nghệ, quy hoạch thay đổi; thiếu chính sách khuyến khích đầu tư và chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước với nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế đối với các dự án hạ tầng quy mô lớn… và còn có nguyên nhân do thông tin về dự án mong muốn thu hút vốn ngoại được chuẩn bị sơ sài, thiếu cụ thể.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn FDI toàn cầu ngày càng gay gắt, việc công bố Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 là tài liệu xúc tiến đầu tư cần thiết để mời gọi, quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và định hướng cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội. Nhưng để hiện thực hóa danh mục đầu tư còn rất nhiều việc phải làm, như cần thay đổi cách xúc tiến đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chuẩn bị cơ sở hạ tầng về đất đai, nguồn nhân lực... Và quan trọng nhất là cần có chính sách “may đo” cho từng dự án lớn, dự án thuộc lĩnh vực quan trọng thay vì ban hành một chính sách chung cho tất cả.
Gửi phản hồi
In bài viết