Hiệu quả thiết thực
Xác định việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát là chương trình quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực của các chương trình, dự án và từ cộng đồng để hỗ trợ người dân còn khó khăn về nhà ở. Từ năm 2021 đến nay huyện Lâm Bình đã xây mới và sửa chữa được 388/343 nhà ở, vượt 45 nhà theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo.
Trong ngôi nhà vẫn thơm mùi sơn mới, chị Giàng Thị Xa, thôn Nà Coóc, xã Bình An cho biết, chuyển ra ở riêng không có tiền làm nhà kiên cố nên gia đình chị phải dựng nhà tạm để ở, nhưng mỗi mùa mưa bão đến gia đình 5 người sống trong nhà tạm thấy bất an.
Năm 2022 gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, cộng với vốn của gia đình và vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình quyết định làm nhà mới kiên cố; ngôi nhà vừa mới được hoàn thành từ đầu năm 2023. Chị Xa nói "Có nhà mới kiên cố rồi, gia đình tôi không phải lo mỗi khi mưa gió nữa, bây giờ tập trung vào làm ăn phát triển kinh tế, phấn đấu thoát nghèo, nuôi con ăn học".
Chị Giàng Thị Xa (ngoài cùng bên phải), thôn Nà Coóc, xã Bình An (Lâm Bình) vui mừng bên ngôi nhà kiên cố mới xây.
Ông Giàng A Súa, thôn Nà Co, xã Xuân Lập tâm sự: "Trước đây tôi nghĩ chẳng biết bao giờ gia đình mới có đủ tiền xây nhà kiên cố để ở. Các con cũng đã lớn rồi không thể ở mãi nhà tạm được". Ước mơ của ông Súa đang dần trở thành hiện thực khi năm 2023 gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Hiện gia đình đang xây dựng nhà và dự kiến sẽ vào ở nhà mới trong năm nay.
Nỗ lực để không còn hộ khó khăn về nhà ở
Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Lâm Bình chiếm 48,5% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Năm 2023, huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên so với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, huyện chú trọng xóa nhà tạm cho hộ dân để bà con ổn định cuộc sống, lấy đó làm động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện Lâm Bình còn khoản hơn 700 nhà tạm, nhà dột nát, đa số các hộ còn nhà tạm là các hộ nghèo sau khi tách hộ. Mục tiêu của huyện vùng cao này là đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Thức, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Lâm Bình cho biết, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của các chương trình, dự án, huyện cũng phối hợp với các ngân hàng ưu tiên vốn cho hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở, vay vốn giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và huy động sự đóng góp của anh em trong dòng tộc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và các gia đình mới tách hộ khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, huy động các hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân và vận động nhân dân cùng tham gia đối ứng để từng bước xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho các hộ dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi sự đóng góp chung tay các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang và các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tham gia ủng hộ xóa nhà ở tạm cho hộ dân.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay giúp sức của các tổ chức chính trị - xã hội, công tác xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Lâm Bình đã góp phần hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở có điểm tựa, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết