Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, theo các quyết định của UBND tỉnh, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh được giao quản lý 2.400 con trâu, bò giống cho hơn 2.000 hộ nghèo vay với hình thức vay bò trả bê. Số nguồn trâu, bò cho hộ nghèo vay do các tổ chức, cá nhân tài trợ. Chương trình được triển khai tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Với hình thức cho mỗi hộ nghèo vay một con bò cái giống, sau khi bò sinh sản, hộ vay có trách nhiệm trả một con bê giống đủ tiêu chuẩn cho Ban quản lý dự án để luân chuyển cho các hộ nghèo khác vay. Khi đó, con bò cái giống ban đầu sẽ thuộc về hộ nuôi. Như vậy, nguồn vốn (đàn trâu, bò) chỉ phát triển tăng đàn, chứ không tiêu hao và số hộ nghèo, hộ khó khăn được tiếp cận, hưởng lợi từ chương trình ngày càng cao. Từ đó giúp nhiều hộ nông dân nghèo có thêm nguồn sinh kế để thoát nghèo. Đến nay, số trâu, bò đã phát triển, nâng tổng số hộ nghèo, hộ chính sách được hưởng lợi từ chương trình là trên 4.810 hộ. Riêng nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân các xã đã luân chuyển 1.690 con trâu, bò cho 1.630 hộ nghèo vay.
Ban điều hành dự án hỗ trợ các hộ nghèo vay bò xã Sinh Long luân chuyển bò giống cho các hộ nghèo thôn Phiêng Ten.
Từ năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đổi mới hình thức thực hiện, tập trung phát triển chuỗi giá trị bò Mông, tạo sinh kế cho các hộ nghèo dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có 105 con bò giống được trao cho 105 hộ dân tộc Mông trên địa bàn 6 xã: Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn), Sinh Long, Hồng Thái (Na Hang) và Yên Lâm, Minh Hương (Hàm Yên). Sau 2 năm, đến nay đàn bò tăng trưởng 58 con, nâng tổng số đàn bò 163 con.
Sinh Long là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang. Tháng 10-2021, xã Sinh Long được Hội Nông dân tỉnh giao quản lý 25 con bò cho 25 hộ đồng bào dân tộc Mông thôn Lũng Khiêng, Phiêng Ten vay. Đồng chí Lầu Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, để đàn bò của dự án phát triển tốt, UBND xã thành lập Ban điều hành dự án hỗ trợ các hộ nghèo vay bò do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Phó ban Thường trực. Ban điều hành có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ vay bò thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp “Nuôi bò Mông sinh sản” để các hộ chăn nuôi trao đổi khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi bò. Bởi vậy, đàn bò trên địa bàn xã phát huy hiệu quả, là những chiếc cần câu, thêm sinh kế cho các hộ nghèo. Đến nay, đàn bò của xã đã phát triển lên 49 con, trong đó, luân chuyển được 6 con cho các hộ nghèo khác vay.
Gia đình anh Vương Văn Mạnh, thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long là một trong 25 hộ dân tộc Mông của xã được hỗ trợ vay bò trả bê. Anh Mạnh chia sẻ: “Là vợ chồng trẻ mới ra ở riêng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên khi được hỗ trợ vay bò giống, tôi vui lắm! 2 vợ chồng bảo nhau chăm sóc bò thật tốt để sớm có nguồn thu. Vừa qua, gia đình tôi đã luân chuyển được 1 con bò giống cho hộ khác, còn bò mẹ này giờ là của mình rồi. Bò mẹ hiện cũng đang có bầu, chuẩn bị đón bê con ra đời, nên cả nhà phấn khởi lắm!”. Theo anh Mạnh, giống bò Mông trọng lượng to, chất lượng thịt ngon, lại dễ nuôi. Đây không chỉ là “cần câu” thoát nghèo bền vững cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát triển đàn bò Mông trên địa bàn xã.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Vĩnh An: Ngân hàng bò là một chương trình hỗ trợ giảm nghèo mang tính bền vững, bởi không chỉ hỗ trợ con giống ban đầu mà còn phát huy tính tích cực của hộ nghèo trong lao động sản xuất, tận dụng được sức lao động, đồng cỏ ở các vùng nông thôn. Việc ngày càng nhiều hộ nông dân nghèo được tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn vốn ngân hàng bò là minh chứng rõ nét hiệu quả và ý nghĩa của chương trình. Qua đó, góp phần giúp thêm nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết