Anh Nguyễn Văn Vĩnh
“Thua keo này, bày keo khác”
Đảng viên Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ, để có được cơ ngơi và thành công như ngày hôm nay, anh cũng nhiều phen lên xuống lao đao. Nhưng đã là người đảng viên thì không thể vì ngại khó khăn mà chùn bước. Bởi vậy, “thua keo này, bày keo khác”, mỗi lần thất bại, anh lại chuyển hướng khác, dù có phải mất thời gian, công sức, tiền của để học hỏi, làm lại từ đầu. Nhờ tinh thần ấy, anh đã đi lên từ thất bại.
Năm 1998, khi còn là chàng trai đôi mươi, anh lập gia đình rồi ra ở riêng, được bố mẹ chia cho 4 ha đất đồi lập nghiệp. Nhìn diện tích đất đồi ấy, anh thầm nghĩ: “Cơ ngơi là đây, tương lai cũng ở đây chứ cần gì phải đi đâu xa”. Anh bắt tay vào trồng mía để quay lấy mật đem bán. Anh đầu tư máy quay mật rồi có những đêm, vợ chồng anh thức thâu đêm quay mật mía. Thế nhưng công việc vất vả lại chẳng lãi lời là bao, anh lại về tận Hà Nội, tìm được gống hồng Nhân hậu mang về trồng. Anh đầu tư trồng 800 gốc hồng Nhân hậu thế nhưng đến năm thứ 3 cho thu hoạch thì bỗng dưng hồng rụng đầy gốc. Năm đó, anh thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Thế rồi anh lại phá bỏ hết 800 gốc hồng Nhân hậu để trồng chè cành. Nhìn anh phá bỏ hồng Nhân hậu, không ít người xót xa thay, lắc đầu nghĩ mẩm: “Trồng chè cành chắc lại được vài hôm thôi”. Quả thật như vậy, chỉ sau vài năm, trồng chè không cho giá trị kinh tế cao, anh lại cho máy vào đánh bật gốc tất cả những luống chè để trồng 56 cây bưởi thí điểm. Sau 7 năm đầu tư, những cây bưởi đã cho thu hái lứa đầu tiên. Thế nhưng sau khi bán cho thương lái, về cộng lại sổ sách, anh mới biết, mỗi cây bưởi chỉ thu về được 1 triệu đồng. Lần này nghĩ việc phá bỏ 56 cây bưởi thì quả thật là tiếc, qua bạn bè, anh biết có thể ghép được từ cây bưởi sang cam canh. Anh lại lặn lội đi các nơi để học hỏi kỹ thuật ghép cam canh trên thân cây bưởi. Năm 2016, anh quyết định ghép cam canh trên toàn bộ 56 cây bưởi.
Đảng viên Nguyễn Văn Vĩnh thu hoạch cam canh được trồng theo quy trình VietGap.
Ghép thành công nên vài năm sau, cây cam canh cho thu hoạch, khi ấy giá cam canh lên rất cao vì chưa có nhiều người trồng. Sản phẩm cam canh hay còn gọi là cam đường canh được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán trên thị trường cao nhất lên tới 70.000 đồng/kg. Bởi vậy, năm đầu bán ra thị trường, chỉ 3 cây cam canh đã cho gia đình anh thu 7,5 triệu đồng. Anh tiếp tục nhân rộng trồng lên tới 500 cây cam đường canh. Anh Vĩnh nhớ lại, có vụ thu hoạch, anh thu 10 tấn cam canh, thu lãi gần 400 triệu đồng từ cam canh. Biết trồng cây cam phù hợp với mảnh đất đồi của gia đình, từ đó, anh đầu tư mạnh hơn vào cam và trở thành người trồng cam canh đầu tiên ở thôn Cây Nhãn.
Đi từng bước vững chắc
Sau những thăng trầm trên hành trình làm kinh tế, đảng viên Nguyễn Văn Vĩnh đã đúc rút cho mình kinh nghiệm: “Đã bước đi là phải đi vững chắc, bởi người đảng viên làm gì thì quần chúng học và làm theo. Trong kinh tế, nếu không vững chắc thì sểnh một ly có khi đi cả tiền tỷ”. Anh không chỉ là người đầu tiên trồng cam canh mà còn là người đầu tiên trồng cây cam Vinh ở thôn Cây Nhãn. Nhận thấy nếu chỉ trồng cam đơn thuần thì đất đai sẽ cằn cỗi, quả cam sẽ dần dần mất đi vị ngọt, chất lượng sẽ giảm. Anh quyết định chuyển sang trồng cam theo hướng VietGap.
Đảng viên Nguyễn Văn Vĩnh hiện đang sở hữu 500 gốc cam canh và 300 gốc cam Vinh đang cho thu hoạch.
Năm 2020, anh đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thịnh, hiện nay có 11 thành viên tham gia. Anh động viên các thành viên Hợp tác xã chuyển đổi trồng cam VietGap. Hiện nay, hợp tác xã do anh làm chủ có 27 ha cam trồng theo quy trình VietGap, còn gia đình anh đã chuyển sang trồng VietGap 100%. Anh đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ diện tích cam của gia đình. Hiện nay, anh có 2.300 gốc cam Vinh và 500 gốc cam đường canh đã cho thu hoạch. Anh là người đầu tiên trong xã thực hiện vườn mẫu để rồi sau đó có 5 hộ gia đình khác làm theo.
Không chỉ trồng cam, hiện nay, anh Vĩnh còn làm chủ kỹ thuật ghép cam từ cây bưởi để bán giống cam canh, cam Vinh cho nhân dân trong xã và các vùng lân cận. Mỗi năm thu nhập từ cam và bán cây giống cam, gia đình anh Vĩnh thu nhập 1,3 tỷ đồng. Là đảng viên và là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, anh Vĩnh đã giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật ghép cam từ cây bưởi cho 16 hội viên nông dân trong xã. Điển hình như gia đình ông Tạ Văn Vượng, thôn Cây Nhãn được anh Vĩnh giúp đỡ và hướng dẫn kỹ thuật ghép cam từ bưởi, đến nay, ông Vượng đã có 2.000 gốc cam Vinh cho thu hoạch. Mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông Vượng thu nhập gần 400 triệu đồng. Gia đình ông Vượng từng bước có kinh tế khá giả.
Đồng chí Hà Văn Thị, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Quận cho biết, đảng viên Nguyễn Văn Vĩnh là tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu ở địa phương. Từ gian khổ, thất bại, anh đã đứng lên làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều người khác nắm bắt được kỹ thuật trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Ở đảng viên Nguyễn Văn Vĩnh, chúng tôi cảm nhận ở anh một tinh thần nông dân chân chất, “thắng không kiêu, bại không nản” mà luôn khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết