Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (Quyết định 22) ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, bắt đầu từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH lên đến 100 triệu đồng/người. Đây được xem là cánh cửa mở ra một cuộc đời mới cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH tuyên truyền về Quyết định số 22 và giải ngân nguồn vốn cho người dân.
Ông Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố khẩn trương phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời.
Có mặt tại trụ sở Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình từ khá sớm, anh Phùng Vĩnh Xuân, thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình) không giấu nổi xúc động khi đến trụ sở Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình để nhận vốn vay.
“Tôi đã sai lầm khi đưa người lao động xuất cảnh trái phép, tôi đã phải trả giá cho những lỗi lầm của mình... Mãn hạn tù, tôi cũng không ngờ Đảng, Nhà nước và chính quyền nơi đây vẫn quan tâm đến những người lầm lạc này. Với số tiền 100 triệu đồng được vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, tôi sẽ đầu tư vào trồng các loại cây lâm nghiệp, tập trung chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình”.
Được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, chị Bùi Thị Nguyệt ở thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình xúc động bảo, trước đây chồng chị ham mê cờ bạc nên phải trả giá bằng bản án thích đáng. Sau khi mãn hạn tù, chồng chị đã nhận ra những sai lầm của mình và chăm chỉ làm ăn. Từ nguồn vốn vay này, vợ chồng chị đầu tư mở rộng quy mô cơ sở sửa chữa ô tô, đồng thời mua sắm thêm trang thiết bị máy móc để phát triển kinh tế đặt ra những mục tiêu phấn đấu cho tương lai.
Từ khi Quyết định số 22 được triển khai, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân 500 triệu đồng cho 5 người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại các xã: Hồng Quang, Thượng Lâm, Thổ Bình và xã Minh Quang được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay tại gia đình chị Bùi Thị Nguyệt, xã Thổ Bình (Lâm Bình).
Mức vay tối đa 100 triệu đồng/người và lãi suất cho vay là 6,6%/năm, bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình, đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH.
Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình chia sẻ, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn từ những hạn chế của bản thân, mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong tìm kiếm việc làm… Có sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương đã giúp họ nâng cao khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, ý chí sản xuất, có việc làm, đảm bảo điều kiện phát triển bình đẳng như các cá nhân khác, tái hòa nhập cộng đồng để ổn định, phát triển kinh tế.
Tại tỉnh Tuyên Quang đã có 23 người chấp hành xong án tù được giải ngân với số tiền 1,8 tỷ đồng. Ngân hàng hiện vẫn đang phối hợp với cơ quan công an, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục rà soát, nắm bắt và tìm hiểu nhu cầu vay vốn để kịp thời đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến đúng người, đúng đối tượng.
Gửi phản hồi
In bài viết