Tân Minh thắm sắc xuân

- Những ngày này, trên khắp các bản làng của xã Kiến Thiết (Yên Sơn), những nụ hoa đào hé nở mang sắc xuân về, ai ai cũng cảm nhận mùa xuân đang đến thật gần. Trong làn sương rét buốt và mưa phùn lất phất bay, lộc xanh mơn mởn của núi rừng báo hiệu mùa xuân đã về thôn Tân Minh. Xuân này, Tân Minh được khoác lên mình chiếc áo mới của sự đổi thay và no ấm hơn.

Được quan tâm, chăm lo

Cận Tết, ai cũng tất bật, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Minh Đặng Văn Duyên chạy đi chạy lại để giám sát công trình đập thủy lợi đang tăng tốc xây dựng, chuẩn bị bàn giao trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Dẫn chúng tôi đến tận chân công trình đập thủy lợi, anh Duyên cho biết thêm: Công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phục vụ tưới tiêu cho 2 cánh đồng với diện tích trên 5 ha. Từ năm 2022 đến nay, Tân Minh được đầu tư nhiều công trình hạ tầng cơ sở theo nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS). Đường vận suất dài gần 700 m, đường nội đồng dài 400 m, nhà văn hóa thôn và các công trình phụ trợ; nâng cấp đường điện lưới quốc gia dài gần 1.600 m; công trình nước sạch…  Các công trình có trị giá gần 10 tỷ đồng. “Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì đây là những công trình thiết yếu, xuất phát từ nhu cầu chính đáng, phục vụ và nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào DTTS. Do đó, khi nhận được chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Nhân dân trong thôn cùng chung sức, hiến đất hàng nghìn m2 đất sản xuất để công trình được thi công đảm bảo đúng kế hoạch” - Bí thư Chi bộ Đặng Văn Duyên nhấn mạnh.

Nhiều hộ người Mông thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thoát nghèo nhờ trồng cây ăn quả.

Tân Minh có 148 hộ, 630 nhân khẩu với 8 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, 28 hộ dân tộc Pà Thẻn, 50 hộ người Mông, còn lại là người Dao, người Tày, Nùng, Cao Lan… Đồng chí Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: Kiến Thiết là vùng đồng bào DTTS, đời sống kinh tế xã hội còn thiếu thốn. Đảng ủy, UBND xã luôn xác định: Thực hiện chính sách dân tộc là chăm lo cho sự phát triển bền vững và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương. Thời gian qua, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các nội dung dự án triển khai tại Tân Minh đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, phát huy dân chủ. Qua đó, khơi dậy nội lực của đồng bào DTTS, tiếp tục củng cố lòng tin của đồng bào DTTS vào Đảng, Nhà nước.

Biết ơn sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, đồng bào các DTTS ở Tân Minh nỗ lực vượt khó, tích cực vươn lên phát triển kinh tế, phấn đấu xuân mới ấm no hơn xuân cũ. 

Kỳ vọng xuân mới

Trên những thửa ruộng, sườn đồi đất đai cằn cỗi xưa, Tân Minh nay đã phủ kín một màu xanh tít tắp của cây rừng, tô thắm thêm vẻ đẹp của bức tranh xuân vùng cao ngày giáp Tết.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của các hộ dân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Văn Duyên kể chuyện: Anh là người Pà Thẻn, nguồn gốc ở Hà Giang. Anh là thế hệ thứ 4 định cư ở mảnh đất Tân Minh này. Sinh ra và lớn lên ở đây, hơn ai hết, anh nhận thấy được sự đổi thay mạnh mẽ của diện mạo vùng đặc biệt khó khăn và cả trong tư duy của đồng bào người Pà Thẻn, người Mông, người Dao, người Tày nơi đây. “Đồng bào mình không hoàn toàn trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước như xưa nữa. Họ tự giác hơn, nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nhạy bén chuyển mình theo công nghệ số 4.0 nữa đấy. Hiện nay, thu nhập bình quân của thôn đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Đồng bào chuyển đổi từ trồng cây ngô, cây sắn sang trồng 30 ha cây bưởi, cây cam. Hàng năm, thôn vượt chỉ tiêu trồng rừng được giao”.

Anh Sùng Seo Dì, dân tộc Mông từ lâu đã trở thành hạt nhân phát triển kinh tế của thôn với mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả, dịch vụ vận tải cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Mấy tháng nay, anh bắt đầu tập làm Youtube. “Thấy người dân ở huyện vùng cao Lâm Bình kiếm được tiền từ Youtube, tôi ham quá lên tận nơi học hỏi và triển khai ngay. Tôi kỳ vọng, tôi sẽ xây kênh thành công, vừa có thêm nguồn thu nhập chính đáng, vừa góp phần quảng bá đời sống, bản sắc văn hóa của địa phương đến bạn bè quốc tế” - Anh Dì chia sẻ. 

Mô hình kinh tế của gia đình anh Gia Văn Chín (bên phải) tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

Còn đối với anh Gia Văn Chín, dân tộc Tày, 30 tuổi sau khi xuất ngũ, anh quyết tâm xây dựng thành công mô hình kinh tế tại địa phương. Từ đi làm thuê đến nay, anh đã làm chủ cơ sở thu mua, sản xuất ván ép; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Đời sống kinh tế được nâng lên, đồng bào DTTS ở Tân Minh đón Tết trong không khí ấm áp và sung túc  hơn. Ông Gia Văn Đồng, người dân của thôn háo hức: Việc tổ chức ăn Tết của các gia đình cũng như mọi năm, không có lợn to thì cũng phải có lợn nhỏ. Trong bản hộ nào có điều kiện thì mổ lợn, hộ nào kém điều kiện hơn thì ra chợ mua.

Một mùa xuân mới đã gõ cửa, cùng với sự quan tâm đầy ý nghĩa và thiết thực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tân Minh, xã Kiến Thiết đang sẵn sàng bước vào một năm lao động, sản xuất mới với nhiều thắng lợi mới để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng thôn ngày càng phát triển và no ấm.        

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục