Đồng chí Đặng Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì điểm cầu tại Tuyên Quang.
Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh, bộc lộ hạn chế cần được tổng kết, đánh giá toàn diện để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề cần sửa đổi trong Luật Công chứng 2014 để trình Quốc hội xem xét, công tác đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ công chứng viên, tiêu chuẩn hành nghề, đẩy mạnh xã hội hóa, công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho hoạt động công chứng, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, kiểm tra thanh tra chấn chỉnh những sai phạm, những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng…
Tại Tuyên Quang có 5 tổ chức hành nghề công chứng 5 năm qua đã thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch 48.458 việc, thu phí trên 16 tỷ đồng.
Kết luận hội nghị trực tuyến, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, việc thảo luận nhằm sửa đổi Luật Công chứng 2014 là rất cần thiết, cấp bách trong tình hình xã hội đang phát triển như vũ bão hiện nay. Ngoài đóng góp xây dựng Luật Công chứng đồng bộ, hiệu quả, đồng chí yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, chú trọng thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.
Gửi phản hồi
In bài viết