Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã Kim Phú đổi nhu yếu phẩm lấy rác thải nhựa.
Ông Bùi Trường Sơn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Kim Phú cho biết: Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, xã Kim Phú đã thành lập 3 tổ tự quản phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại 3 thôn làm điểm (thôn 14, thôn 15, thôn 17). 100% Ban công tác Mặt trận tại 28/28 thôn trong xã đều triển khai tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa; hạn chế tối đa dùng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; hướng dẫn các hộ dân trong việc phân loại giữa rác thải vô cơ và rác thải hữu cơ; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết phân loại rác thải tại hộ gia đình, xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát… Trong các tổ chức chính trị - xã hội của xã, Hội LHPN xã Kim Phú hoạt động sôi nổi, hiệu quả hơn cả, là điểm sáng và là nòng cốt trong việc phòng, chống rác thải nhựa và vệ sinh môi trường trên địa bàn xã.
Chị Nông Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Phú cho biết, Hội LHPN xã đã gắn phong trào với các cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, hoạt động của các Câu lạc bộ như CLB không có người thân vi phạm pháp luật, CLB văn hóa văn nghệ, CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan; CLB xây dựng gia đình hạnh phúc…. Chi hội phụ nữ tại các thôn đều phối hợp chặt chẽ với bí thư chi bộ, trưởng thôn, ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Trong đó hoạt động mạnh nhất, chủ động, tự giác nhất là các Chi hội phụ nữ thôn 1, thôn 11, thôn 20, thôn 22. Bản thân chị Ngọc cũng luôn sâu sát cơ sở, thường xuyên đi thăm hỏi, động viên, chia sẻ với chi hội phụ nữ tại các thôn, vận động hội viên tổ chức phân loại rác tại gia đình. Với các loại rác nhựa, khó phân hủy, chị em tiến hành thu gom để chủ nhật, tuần cuối cùng của tháng, nhựa sẽ được tập kết tại nhà văn hóa thôn, bán để gây quỹ chi hội.
Chi hội phụ nữ thôn 12 xã Kim Phú thu gom, phân loại rác thải nhựa.
Từ nguồn quỹ nhỏ bé này, nhiều nghĩa cử ấm áp đã được chị em các chi hội phụ nữ thực hiện như: mua chăn, áo ấm tặng con em các hộ nghèo; giúp đỡ, tặng quà các hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ gia đình hội viên nghèo mua sách vở cho con em đi học… Cũng từ phong trào này, nhiều cách làm sáng tạo cũng đã được chị em vận dụng như: Chi hội phụ nữ thôn 14 xã Kim Phú vận động chị em sử dụng làn, giỏ của người nông dân tự đan, dùng thay thế túi nylon đi chợ. Hội Phụ nữ xã tổ chức đổi các nhu yếu phẩm (xà phòng giặt, mì chính, muối, kem đánh răng, nước mắm, nước rửa chén…) lấy rác thải nhựa. Dịp cao điểm dịch bệnh Covid-19 thì đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang, nước sát khuẩn… Chị em đã khéo léo tận dụng các hộp, lọ nhựa đã qua sử dụng, cắt tỉa để trồng hoa, cây cảnh…
Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân xã Kim Phú đã phát động 100% đoàn viên, hội viên tham gia lao động vệ sinh tại khuôn viên các nhà văn hóa, phát dọn cây trên các tuyến đường, khơi thông hệ thống thoát nước, đảm bảo vệ sinh môi trường... Hội Nông dân xã đã phát động phong trào thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên các cánh đồng, đưa về các bể chứa rác theo quy định. Đoàn Thanh niên phát động các chi đoàn, các trường học thu gom rác thải nhựa đổi đồ dùng học tập tại các liên đội trường học 1 quý 1 lần...
Đoàn Thanh niên xã Kim Phú đổi đồ dùng học tập lấy rác thải nhựa tại Liên đội Trường Tiểu học Kim Phú.
Chị Hoàng Thị Yên, thôn 14 xã Kim Phú cho biết: Ở gia đình chị, các loại rác hữu cơ như cuộng rau, thức ăn thừa… sẽ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi; vỏ trái cây được thu gom, tái tạo thành nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng; các loại đồ rác nhựa, sắt thép, nhôm gang được thu gom để bán phế liệu... Nhờ thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại hộ gia đình, tình trạng xả rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định đã giảm hẳn. Các gia đình đã có ý thức hơn trong việc chủ động tự dọn dẹp, vệ sinh nơi ở của gia đình mình. Chủ nhật tuần cuối cùng của tháng, các hộ gia đình cùng tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo quy định… Đó là những hành động thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết