Lan tỏa hành động nhân văn

- Cách đây 23 năm, ngày 7-4-2000 được chọn là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”, có ý nghĩa vận động người dân tham gia hiến máu thường xuyên, đảm bảo máu cho cấp cứu và điều trị. Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện hiện đã phát triển sâu rộng trên địa bàn tỉnh, được đông đảo người dân hưởng ứng.

Anh Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ, với những thông điệp “Hiến máu cứu người-một nghĩa cử cao đẹp”, “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, “Sẻ giọt máu đào-trao niềm hy vọng”, “Kết nối trái tim - kết nối sự sống”, “Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt”... đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Sự phát triển của phong trào hiến máu không chỉ giúp tăng lượng máu dự trữ, đáp ứng nhu cầu công tác cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế, mà còn lan tỏa những thông điệp nhân văn, vì cộng đồng xã hội.

Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện đã được Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh hết sức chú trọng với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. Bên cạnh tuyên truyền theo cách truyền thống như phát tờ rơi, pano, áp phích, tranh ảnh, truyền hình, truyền thanh lưu động thì hiện nay Ban Chỉ đạo đã tích cực tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội.

Đông đảo người dân, cán bộ nhân viên, người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia hiến máu nhân đạo.

Bác sỹ Lưu Duy Đàn, Trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giọt hồng xứ Tuyên chia sẻ, để nhiều người tích cực tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo, câu lạc bộ tham gia triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt chú trọng tuyên truyền qua mạng xã hội. Câu lạc bộ đăng tải thông tin tuyên truyền vận động qua các trang Fanpage, vận động các thành viên, người dùng mạng xã hội tham gia tương tác để các bài viết được lan tỏa đến nhiều người.

Lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng đông, số người hiến máu nhắc lại tăng. Toàn tỉnh có trên 200 tình nguyện viên thường xuyên tham gia hiến máu. Điều đặc biệt, những năm gần đây đối tượng hiến máu được mở rộng. Nếu như trước đây lực lượng hiến máu chủ yếu là các đoàn viên, thanh niên, sinh viên thì nay đối tượng hiến máu phong phú hơn, bao gồm các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tự do, tiểu thương... Ở nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương, hiến máu tình nguyện đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa của mỗi thành viên và của cả cộng đồng.

Anh Dương Xuân Thành, Công ty Điện lực Tuyên Quang là người tích cực tham gia hiến máu. Anh chia sẻ, “tôi nhận thấy hiến máu để cứu người là cần thiết cho những bệnh nhân đang cần máu để chiến thắng với bệnh tật, hầu như năm nào tôi cũng tham gia hiến máu. Tôi mong rằng, mọi người, nhất là các bạn đoàn viên, thanh niên, những người trẻ tuổi nên tham gia hiến máu tình nguyện. Nghĩa cử này không chỉ thể hiện truyền thống tương thân tương ái mà còn là trách nhiệm với cộng đồng”.

Còn bà Phạm Thanh Phương, tổ 10, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) năm nay gần 60 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia hiến máu cứu người. Bà chia sẻ, “hiến máu mang lại nhiều lợi ích lắm. Trước tiên, kiểm tra được sức khỏe và chất lượng máu của mình. Điều quan trọng nữa là từ giọt máu của mình có thể cứu sống được người khác. Trong lúc mình khỏe mạnh, có nhiều bệnh nhân nguy kịch cần tiếp máu thì chúng ta nên chia sẻ những giọt máu của mình để cứu người”.

Ông Lưu Duy Đàn, Trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói, “điều gì sẽ xảy ra với cơ thể bạn khi tham gia hiến máu?” Đó là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Khoa học chứng minh, khi cho máu sẽ loại bỏ được một lượng sắt dư thừa tích lũy trong cơ thể, làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm thiểu bệnh tim mạch. Hiến máu làm cho tinh thần sảng khoái hơn, ăn ngủ ngon hơn. Giúp chức năng cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên. Bên cạnh hiến máu cứu giúp người bệnh, lan tỏa giá trị nhân văn thì hành động này còn mang lại sức khỏe cho chúng ta.

Trước kia, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh luôn ở trong tình trạng thiếu máu điều trị cho bệnh nhân. Từ khi có nguồn máu tình nguyện, các bệnh viện đã chủ động hơn rất nhiều trong việc sàng lọc máu sạch để cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Tuy nhiên, theo thông tin từ các cơ sở y tế, lượng máu thu được qua các đợt hiến máu tình nguyện chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu. Do đó, để đáp ứng nhiều hơn nữa về nhu cầu chữa trị cứu giúp bệnh nhân thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, chung sức và ủng hộ của cả cộng đồng trong công tác hiến máu nhân đạo.

Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục