Ngày Bác về
Ngày 4-5-1945, Bác Hồ rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cùng đi với Người có tiểu đội cận vệ đặc biệt do đồng chí Đặng Văn Cáp phụ trách cùng hai người lính đồng minh kỹ thuật vô tuyến điện và một số thiếu sinh quân khác. Ngày 20-5-1945, Bác đến địa phận tỉnh Tuyên Quang. Sau khi dừng chân nghỉ trưa ở Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa), đi qua bản Pình, bản Pài, xã Trung Minh, bản Chương, bản Coóc, xã Hùng Lợi, cùng ngày Bác đến Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn).
Nơi đây, trước khi đoàn công tác đến, ngày 12-5-1945, chính quyền cách mạng Ban Châu Hồng Thái đã được thành lập. Khu vực này đã là khu giải phóng, trụ sở của Ban Châu Hồng Thái đặt tại Làng Chạp. Bác đến Làng Chạp trời đã gần tối, các đồng chí cán bộ địa phương bố trí cho Bác cùng đoàn công tác nghỉ qua đêm tại nhà ông Sầm Văn Nhì.
Người dân thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) kể về ký ức ngày Bác Hồ về Làng Chạp tháng 5 - 1945.
Ngày Bác Hồ và đoàn công tác lần đầu tiên về Làng Chạp là một ngày đặc biệt không thể nào quên trong ký ức của người dân Làng Chạp. Ông Sầm Quốc Kỳ, cháu của cụ Sầm Văn Nhì năm nay gần 90 tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Ông kể, khi Bác Hồ về Làng Chạp tháng 5-1945, ông Kỳ lên 8 tuổi. Sau này khi lớn lên, ông được các cụ già kể lại ngày đặc biệt ấy. Ngày Bác và đoàn công tác về Làng Chạp, trong làng không ai biết đó là Bác Hồ. Mọi người chỉ biết có một cụ già dáng người mảnh dẻ, đôi mắt rất sáng, hiền từ nhưng luôn trùm khăn trên đầu. Khi đoàn công tác đến nhà cụ Chánh Nhì, ngôi nhà bỗng rộn ràng, vui vẻ hẳn lên nhưng ai cũng bảo nhau tuyệt đối giữ bí mật, “không nghe, không nói, không biết”. Ông Kỳ bảo: “Đoàn công tác làm dân vận khéo lắm. Khi đoàn công tác đến nhà cụ Chánh Nhì, cán bộ trong đoàn công tác còn phân công nhau quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Ngôi nhà 5 gian, 2 chái, đội cận vệ ngủ ở 3 gian ngoài, còn gian trong được ngăn vách để cho Bác ở”.
Bà Lê Thị Tầm, 90 tuổi vừa têm trầu vừa kể: “Lúc đoàn công tác về thôn, người dân Làng Chạp không ai biết trong đoàn có Bác. Nhưng người dân đều vui lắm vì biết đó là đoàn cán bộ cấp cao về làm cách mạng, giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống tự do cho nhân dân. Mãi sau này, chúng tôi mới biết, cụ già trong đoàn hôm ấy là Bác Hồ kính yêu. Chúng tôi xúc động lắm. Tôi luôn răn dạy các con, cháu của mình phải tiếp nối truyền thống cách mạng của Bác Hồ đã gây dựng, là những công dân tốt, xây dựng gia đình văn hóa, mẫu mực”.
Làng Chạp đã có nhiều ngôi nhà xây khang trang cho thấy đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay.
Làng Chạp ngày mới
Làng Chạp hôm nay đang phát triển, trở thành mảnh đất trù phú, đời sống người dân có nhiều bước cải thiện. Đây là thôn đi đầu ở Trung Sơn về phát triển rừng, chủ yếu là rừng FSC. Toàn thôn hiện có trên 314 ha rừng, trong đó có 244 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng FSC. Người dân ở Làng Chạp nay đã đổi thay nếp nghĩ, cách làm, tự lập vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Ma Thị Nhường, Bí thư Chi bộ cho biết, ngoài trồng rừng, người dân còn tập trung trồng cây ăn quả như bưởi, na, chuối, dưa chuột, chăn nuôi trâu bò vỗ béo, lợn thịt. Hiện nay, toàn thôn có 10 ha cây ăn quả, 5 mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo và lợn thịt quy mô tập trung.
Mô hình trồng bưởi đường của hộ ông Đặng Văn Tâm, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Ông Đặng Văn Tâm, người dân thôn Làng Chạp cho biết: “Sinh ra và lớn lên trên vùng quê cách mạng, mỗi người dân như tôi cần phải nỗ lực và có trách nhiệm xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn như mong muốn của Bác Hồ”. Suy nghĩ như vậy nên ông Tâm đã tiên phong là người đầu tiên trồng 1 ha bưởi đường, 1 ha trà hoa vàng. Đến nay, diện tích bưởi của gia đình ông Tâm đã cho thu hoạch 4 vụ, bình quân mỗi vụ thu lãi 50 triệu đồng. Từ bán giống cây trà hoa vàng và sản phẩm trà hoa vàng tươi, mỗi năm ông cũng có thêm nguồn thu từ 30 đến 40 triệu đồng.
Người dân Làng Chạp giờ đây không cho đất nghỉ, tận dụng vụ 3 và diện tích lúa canh tác kém hiệu quả để trồng dưa chuột, cây gai xanh. Toàn thôn giờ có 4 ha trồng dưa chuột và cây gai xanh. Trong thôn đã thành lập được một Hợp tác xã nông sản sạch thu mua, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân.
Đến Làng Chạp khi nhắc về ngày lịch sử 20-5-1945, ngày Bác về lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, từ già đến trẻ đều bồi hồi, xúc động. Truyền thống cách mạng, chở che cho Đảng, Bác Hồ chính là nguồn động lực lớn để nhân dân nơi đây xây dựng cuộc sống hôm nay tươi sáng hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết