Những người đi đầu
Trưởng thôn trẻ Vương Văn Việt, mới đảm nhiệm chức vụ được hơn 1 năm phấn khởi chia sẻ, có đường to, đẹp phải nhắc đến những cá nhân đi đầu phong trào.
Ông Vương Văn Bình, năm nay đã hơn 70 tuổi, là người có uy tín trong cộng đồng người Cao Lan. Ông chậm rãi kể, đầu năm 2015, sau khi có chủ trương cải tạo tuyến đường vào trung tâm xã dài 2,2 km, con đường ngày xưa nhỏ, hẹp, chạy vắt vẻo qua những cánh đồng, bà con đi lại khó khăn, nhất là những ngày mưa gió. Nhưng thực tế nếu mở rộng thì sẽ phải đi qua nhà của 90 hộ dân và sẽ phải lấy vào đất của nhiều hộ và bắt buộc phải hiến đất mới làm được đường. Ông Bình dõng dạc kể lại những kỷ niệm cùng ông Hoàng Văn Sự (nguyên trưởng thôn) đi các hộ dân vận động, ai cũng lắc đầu, viện cớ nhiều lý do, đặc biệt là sự tỵ nhau do bên này lấy đất vào nhiều bên kia lại lấy vào ít khi nắn cua... Là người uy tín, nếu không làm trước có lẽ sẽ thất bại, nêu gương đi đầu, ông Bình tự nguyện phá hàng rào, lùi cổng và hiến mảnh đất hơn 70 m2 để làm đường.
Ông Vương Văn Bình (bên trái), thôn Tân Hải Thành là người đi đầu trong hiến đất làm đường.
Thấy sự quyết liệt, sau hơn 1 tuần có thêm bà Hoàng Thị Thiết hưởng ứng. Bà Thiết có hoàn cảnh khó khăn, bà lại ở cùng bốn người con nên cũng nhiều luồng ý kiến, cuộc vận động thành công khi may mắn có người con cả là đảng viên, nêu gương đi đầu và gia đình đã tìm được tiếng nói chung. Bà Thiết nhớ lại, thấy ông Bình hiến đất, bà cũng thực hiện theo, nhưng ý các con chưa đồng lòng nên gia đình cũng hay mất hòa khí. Giao thông phải thuận tiện thì mới phát triển kinh tế và nâng cao đời sống được", bà Thiết tâm niệm như thế.
Ông Hoàng Văn Sự, nguyên Trưởng thôn Tân Hải Thành nhớ lại, cuộc vận động, tuyên truyền tưởng chừng sẽ đi vào bế tắc bởi nhiều luồng ý kiến, nhưng khi tuyến đường được triển khai, bà con thấy những đoạn hiến đất được đơn vị thi công làm quy mô, hai bên có vỉa hè, con đường thẳng tắp, không ai bảo ai, đều đồng lòng hiến đất làm đường. Gia đình bà Phan Thị Nông là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất thôn ngày đó kể lại, gia đình có hơn 200 m2 đất để ở, nhưng thấy con đường là việc chung nên bà cũng mạnh dạn hiến 50 m2 để làm đường. Thực sự khi làm xong đường, bộ mặt của thôn xóm cũng đổi thay nhiều, đi lại, giao thương buôn bán cũng thuận tiện hơn trước.
Trở thành phong trào hiến đất
Sau khi hoàn thành tuyến đường, người dân thôn Tân Hải Thành ai cũng cảm thấy tự hào bởi mình đã góp 1 chút sức nhỏ để có đường to. Sẵn với khí thế thôn còn làm thêm tuyến đường dẫn vào khu sản xuất Đồng Gié dài 1,7 km. Con đường tuy ngắn nhưng chạy qua nhà của 30 hộ dân, và ai cũng tự nguyện hiến đất như một cách để ủng hộ phong trào.
Chỉ tay vào con đường bê tông rộng chạy cắt ngang qua thửa ruộng của gia đình, bà Trần Thị Vui bảo, con đường này gia đình bà hiến 2 sào ruộng, bao năm canh tác ở khu sản xuất, nhớ lại những ngày mùa gặt, đường xá không có, đi chở bao thóc từ ruộng về nhà cũng vô cùng vất vả, nhưng nay có đường mọi thứ đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Bà Vui hào hứng, hiến đất làm đường là việc chung, ai cũng cần có ý thức mới làm được những việc lớn, từ ngày có đường 3 ha đất sản xuất ở khu Đồng Gié đều tấp nập người dân cày xới, tăng gia sản xuất cây vụ đông. Không giấu nổi niềm vui, ông Đoàn Mạnh Dân kể, khi có chủ trương làm đường vào khu sản xuất ông cũng hiến 100 m2 để làm đường. Ngoài vào khu sản xuất đây cũng là con đường dẫn vào nghĩa trang của thôn. Việc tốt thế mình không làm thì không xứng đáng là đảng viên gương mẫu.
Con đường dẫn vào khu sản xuất Đồng Gié có 10 hộ hiến đất làm đường.
Trưởng thôn Vương Văn Việt kể thêm, trước khi sáp nhập 3 thôn Tân Thành 1, Tân Thành 2, Hải Thành thành thôn Tân Hải Thành như hiện nay, câu chuyện xây dựng nhà văn hóa thôn Hải Thành xưa vẫn được nhiều người nhắc tới, ngày xưa chỉ là ngôi nhà bé xíu, chật chội, không có khuôn viên sân chơi. Năm 2017, sau khi Nhà nước có chủ trương xây dựng mới nhà văn hóa, thôn Tân Hải Thành nhận làm theo kiểu mẫu gắn với sân thể thao và khuôn viên theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, diện tích xây dựng nhà cũ không đủ đáp ứng tiêu chí mới, thôn đã họp Nhân dân, vận động nhiều nông dân có diện tích đất liên quan hiến đất để hoàn thành nhà văn hóa theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sau khi vận động, đã có nhiều nông dân như ông Trần Văn Nam hiến 220 m2, ông Tiêu Văn Ngọt hiến 1 m2, ông Trần Văn Dũng hiến 120 m2… Ông Trần Văn Nam là một trong 4 hộ hiến đất xây dựng nhà văn hóa cho rằng, vẫn biết "tấc đất tấc vàng", nhưng vì lợi ích chung, cũng vì chính cuộc sống của mình, con cháu mình sau này, nên hy sinh một chút lợi ích nhỏ vì công việc lớn mình cũng không so đo gì.
Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thái Long cho biết, thôn Tân Hải Thành nổi tiếng toàn xã với phong trào hiến đất. Ngày xưa xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới của xã Thái Long thấp bao nhiêu thì hôm nay xã lại tự tin hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao bấy nhiêu. Có được điều này chính là sự đoàn kết, đồng lòng của người dân tham gia các phong trào của xã phát động.
Theo Trưởng thôn Tân Hải Thành Vương Văn Việt, toàn thôn có 206 hộ dân thì có đến 120 hộ dân hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa. Mặc dù hiện nay mức thu nhập của người dân trong thôn mới chỉ đạt 32 triệu đồng/người/năm nhưng thôn chỉ còn 9 hộ nghèo và dự kiến sẽ giảm còn 6 hộ vào năm sau. Anh Việt kết thúc câu chuyện đầy cảm hứng, câu nói "muốn làm đường to, dân phải đồng lòng" thật đúng với Tân Hải Thành. Đường lớn đã mở, nhiều nghề cũng mở ra, tương lai người dân Tân Hải Thành sẽ ngày càng khấm khá lên sớm mà thôi.
Gửi phản hồi
In bài viết