Tỷ phú Tứ Quận ghép cam trên gốc bưởi

- Về thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn), chúng tôi được nghe kể nhiều về anh Nguyễn Văn Vĩnh, là một người năng động, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong việc ghép cây cam trên thân bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ giúp cho gia đình anh trở nên giàu có, mà còn giúp cả vùng trồng cam, trồng bưởi của thôn dần trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã Tứ Quận.

Vươn lên từ vùng đất khó

Con đường bê tông dẫn chúng tôi vào vườn cây ăn quả rộng mênh mông của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh. Thời điểm này, đồi cam Vinh, cam đường canh đang phủ một màu vàng rực, quả lúc lỉu, sai trĩu cành như khẳng định sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ của người đàn ông trung niên này.


Anh Nguyễn Văn Vĩnh, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn).

Dẫn chúng tôi thăm đồi cam Vinh sắp thu hoạch, anh Vĩnh kể về những ngày đầu lập nghiệp với bao khó khăn, vất vả trên vùng đất đồi hoang vu. Năm 1998, anh lập gia đình rồi ra ở riêng, được bố mẹ chia cho 4 ha đất đồi lập nghiệp. Những năm đầu mới phát triển kinh tế, anh hết trồng mía, rồi lại trồng hồng, trồng chè nhưng cây không hợp đất, công việc vất vả mà lời lãi chẳng bao nhiêu. Qua xem sách báo, ti vi và một vài lần đi tham quan tại tỉnh Hòa Bình, nhận thấy cây cam là loại cây có giá trị kinh tế cao. Đầu năm 2006 anh về Cao Phong (Hòa Bình) mua 200 cây giống cam đường canh và cam Vinh về trồng. Đất không phụ công người, sau 2 năm chăm sóc, cây cam đã cho những quả đầu tiên, chất lượng quả tốt. Có thêm vốn, anh tận dụng diện tích đất đồi trồng 1.000 gốc bưởi.

Cứ tưởng cây bưởi sẽ là cây giúp anh làm giàu lâu dài, nhưng do không hợp đất nên cây bưởi cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Song, anh nghĩ, cây bưởi trồng đã được 5 - 7 năm, gốc đã to, khỏe, nếu chặt bỏ đi rất lãng phí. Lần nữa anh quyết tâm đi đến những vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng như Hòa Bình, Phú Thọ để học tập kinh nghiệm ghép gốc cây bưởi với cam. Năm 2016, anh Vĩnh áp dụng phương pháp ghép cam trên 200 gốc bưởi đầu tiên. Không phụ lòng người, sau 2 năm chăm sóc, thành quả thu được ngoài mong đợi vườn cam ghép trên cây bưởi của anh ra trĩu quả nên anh quyết định chặt hết toàn bộ 1.200 cây bưởi để ghép cho cây cam.

Anh Vĩnh áp dụng hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ diện tích cam của gia đình.

Tỷ phú từ trồng cam ghép trên gốc bưởi

Hiện nay, vườn cam của anh Vĩnh rộng khoảng 4 ha, gồm 2 loại cam Vinh và cam canh, trong đó có 1,5 ha cây cam ghép trên gốc bưởi, cây khỏe đều, lá xanh, cây nào cũng sai trĩu quả. Từ ngày trồng cam, chưa khi nào gia đình anh bị mất mùa. Giống cam ghép trên thân bưởi được anh Vĩnh lựa chọn là cam Vinh và cam đường canh. Quả cam trên cây ghép vẫn giữ được chất lượng thơm mát vốn có và mẫu mã đẹp hơn, dễ trồng, chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc nhưng thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với cam chưa ghép. Vụ cam vừa rồi, gia đình thu hoạch 4 ha cam cho năng suất 100 tấn, thu lãi 1,6 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 1,5 ha cam ghép đã cho 60 tấn quả, thu lãi 1,2 tỷ đồng.

Anh Vĩnh bảo, để ghép cam trên thân bưởi đạt kết quả tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tốt nhất cây gốc cắt vào tháng 11 âm lịch. Cây ghép khi lên mầm tỉa bỏ mầm yếu, để 2 mầm trụ khỏe nhất. Chăm sóc đến tháng 4 âm lịch lên mầm thứ 2 bắt đầu tiến hành ghép. Sau một tháng ghép nếu mầm cam dài khoảng 20 cm thì tiến hành tháo bỏ túi bóng cuốn ghép. Chỉ sau 2 năm cây sẽ bắt đầu cho quả bói.

Nhận thấy nếu chỉ trồng cam theo kiểu truyền thống thì đất đai sẽ cằn cỗi, quả cam sẽ dần dần mất đi vị ngọt, năng suất, chất lượng giảm và sức khỏe của người trồng cam, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, anh quyết định chuyển sang trồng cam theo hướng VietGap. Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Cây Nhãn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thịnh, anh đã vận động hội viên nông dân, thành viên HTX chuyển đổi trồng cam VietGap. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thịnh có 11 thành viên với diện tích 27 ha cam trồng theo quy trình VietGap, còn gia đình anh đã chuyển sang trồng cam theo hướng hữu cơ từ năm 2022. HTX đang tập trung xây dựng thương hiệu Cam lòng vàng VietGap Tứ Quận.

Anh Vĩnh chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc vườn cam ghép trên gốc bưởi cho hội viên Hội Nông dân xã Tứ Quận (Yên Sơn).

Bênh cạnh đó, anh Vĩnh cũng áp dụng mô hình tưới nước tự động cho toàn bộ diện tích cam của gia đình, giúp giảm thiểu chi phí và công lao động. Vào thời kỳ thu hoạch, anh cũng tạo thêm việc làm cho khoảng 15 - 20 lao động địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quang, thành viên HTX Nông nghiệp Vĩnh Thịnh chia sẻ, nhờ học hỏi được kinh nghiệm từ mô hình của anh Vĩnh, gia đình anh cũng đã áp dụng phương pháp trồng ghép cho 700 trong số 1.500 gốc cam. Vụ cam vừa qua, sản lượng đã hơn nhiều so với vụ trước, mẫu mã và chất lượng cam được nâng cao, đầu ra ổn định. Trừ chi phí, vườn cam cho gia đình anh thu nhập hơn 700 triệu đồng. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định.

Từ hai bàn tay trắng, không ngại khó, ngại khổ, anh Nguyễn Văn Vĩnh đã tích cực học hỏi, có ý chí vươn lên, biến đất đồi sỏi đá thành vườn cam xanh tốt, trĩu quả, tạo nguồn thu nhập chính và ổn định cho gia đình và tạo điều kiện cho bà con học hỏi, nâng cao đời sống người dân. Nhiều năm anh Nguyễn Văn Vĩnh đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp huyện, cấp tỉnh. Anh đã được các cấp ngành tặng Bằng khen, Giấy khen trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất… và là một cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được biểu dương tại huyện và tỉnh năm 2023.

Dương Châu

Tin cùng chuyên mục