Vì sức khỏe cộng đồng
Xế trưa, thời tiết oi bức, bà La Thị Nhất nhân viên y tế thôn bản nhễ nhại mồ hôi sau khi tuyên truyền, vận động bà con địa phương thau vét bọ gậy, phòng ngừa sốt xuất huyết trở về nhà. Gặp chúng tôi, bà Nhất chia sẻ, bà con ở đây 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó 90% là hộ người dân tộc Dao đỏ. Người dân trong thôn bà nghèo lắm, bà từng chứng kiến nhiều phụ nữ trong thôn sinh đẻ tại nhà vô cùng nguy hiểm, có trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con rất đau lòng, rồi nhiều dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con trong thôn. Từ đó ngay từ khi còn trẻ bà đã có suy nghĩ sau này nhất định phải làm một điều gì đó để giúp bà con. Nghĩ vậy, năm 1997, bà đã đăng ký khóa đào tạo nhân viên y tế thôn bản 6 tháng tại Trung tâm Y tế huyện.
Bà La Thị Nhất kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi trong thôn.
Theo bà Nhất, làm nhân viên y tế thôn bản phải nhiệt tình, chịu khó. Bất kể lúc nào, khi người bệnh cần là mình có mặt. Thời gian bà làm nhân viên y tế khi người dân còn đang ở thôn Xuân Quang, mỗi lần đi tuyên truyền, thăm khám bà phải băng rừng, lội suối thậm chí phải bơi mảng mới đến được. Có đêm nhận được tin báo có người sắp sinh, có người sốt cao lên cơn co giật bà đi bộ đường rừng vài cây số để đến giúp sản phụ sinh nở hay người bệnh cắt cơn sốt. Hành lý mỗi khi lên đường, ngoài những thứ cần thiết phục vụ việc điều trị người bệnh, bà chỉ mang theo đèn chiếu sáng để soi đường. Có những lần đèn hết pin giữa đường bà vẫn tiếp tục đi mặc cho bàn chân bỏng rộp, tứa máu; váy áo thủng rách, bám đầy bụi đất. Công việc vất vả vậy mà bà Nhất thấy vui sau những ca đỡ thành công, được nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc hay những ca bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo. Bà hạnh phúc vì công sức của chị đã đem lại niềm hạnh phúc cho bà con - bà Nhất nói.
Sau này khi người dân thôn di dân xuống sinh sống ở xã Hoàng Khai bà được người dân tín nhiệm bầu làm nhân viên y tế của thôn. Môi trường sinh hoạt mới, cuộc sống của người dân cũng có nhiều thay đổi. Việc đi lại chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thôn cũng có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng công việc của bà thì vẫn vậy. Lúc thì đi cân cho các cháu nhỏ, khi thì vào từng con ngõ, gõ cửa từng nhà với lỉnh kỉnh trên tay đủ thứ tờ rơi, áp phích, sổ, sách, phiếu tiêm chủng... Đó là chưa kể việc phải thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống các dịch bệnh như: lao, sốt xuất huyết, an toàn thực phẩm...
"Thần hộ mệnh" của người dân
Năm 1997, hoàn thành khóa học về chưa đầy 1 tuần bà đã đỡ đẻ 2 ca thành công. Ca đỡ đầu tiên là cho cháu gái trong gia đình. Không tránh khỏi lo lắng, bỡ ngỡ vì lần đầu tiên bà tự mình đỡ đẻ là ca sản phụ đã bị vỡ ối, sốt cao, điện lại không có. Với kiến thức, kỹ năng đã học, sau 10 phút bà đã đỡ thành công, cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Sau lần đó, bà tự tin và làm việc ngày càng tốt hơn - bà La Thị Nhất trải lòng.
Bà La Thị Nhất (ngồi ngoài cùng bên trái) tuyên truyền cho người dân trong thôn về cách phòng, chống các dịch bệnh.
Ngồi trò chuyện cùng anh Bàn Hồng Thắng, người dân trong thôn kể lại: Đêm đó, khi con gà rừng gáy sáng cũng là lúc vợ anh chuyển dạ, kêu khóc liên hồi vì đau. Người mẹ già của anh chân tay lóng ngóng run rẩy chỉ biết ngồi bên con an ủi. Trong ánh sáng của ngọn đèn dầu mờ anh Thắng nhận ra sắc mặt của vợ mình càng lúc xanh xao, tái nhợt. Sau gần 2 tiếng đồng hồ vật vã với những cơn đau quặn thắt, hơi thở của vợ anh yếu dần. Nhà thì xa trung tâm xã, muốn đến được Trạm Y tế xã phải bơi mảng sang. Ngoài trời lúc này đang mưa to, những giọt nước mắt đã lăn trên gò má khi anh nghĩ đến điều không lành... Sau một hồi hoảng loạn, nghe thấy tiếng khóc của đứa cháu 2 tuổi gần nhà làm anh giật mình và sực nhớ đến "cô đỡ” Nhất. Tức tốc anh chạy xuống lấy mảng bơi sang bờ "cầu cứu" bà Nhất. 20 phút sau, đón được bà Nhất sang và sự sinh nở của vợ anh được "mẹ tròn con vuông". "Nghe tiếng đứa bé oe oe, tôi đã ôm chầm lấy bà Nhất và khóc", anh Thắng chia sẻ.
Với bà Nhất, những ngày tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 là quãng thời gian bà làm nhiệm vụ của một nhân viên y tế thôn bản vất vả nhất. Vừa tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chấp hành nghiêm các quy định, vừa phối hợp cùng cán bộ y tế vừa tham gia truy vết F1, F2, tiêm vắc xin phòng Covid-19, theo dõi sức khỏe các đối tượng cách ly tại nhà cũng như tại các khu cách ly tập trung. Hơn thế nữa nhiều người dân trong thôn nghe, nói tiếng Việt chưa được thông thạo nên bà còn phải làm nhiệm vụ phiên dịch mỗi khi cán bộ đến truy vết. Cường độ làm việc rất cao, thường xuyên trực 24/24h. Nhưng bà không hề thấy mệt mỏi mà luôn cố gắng dốc hết sức để ngăn chặn dịch.
Thành công của bà Nhất trong suốt 25 năm làm y tế thôn, đó là vận động được các sản phụ đến cơ sở y tế để sinh nở thay vì tập tục tự sinh con ở nhà như trước đây; trong thôn không còn việc người dân tìm đến thầy cúng, thầy mo để cúng chữa bệnh nữa. Trước đây, việc tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi ở đây cũng hết sức khó khăn, do đồng bào lo sợ rằng sau khi tiêm, con cháu mình sẽ bị còi cọc, chậm lớn. Rồi khi các hộ dân chuyển về nơi ở mới bà phải thường xuyên đến từng nhà vận động, tuyên truyền người dân đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị… Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", bà Nhất đã kiên trì vận động, thuyết phục các gia đình thay đổi nếp nghĩ và dành sự quan tâm, chăm lo tốt nhất cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.
Ở độ tuổi gần 60, nhưng ở bà La Thị Nhất vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề, với đời. Chẳng thế mà Tân Quang luôn là thôn điển hình làm tốt công tác y tế, dân số. Nhiều năm nay không có trường hợp sinh con thứ 3, không có trường hợp tảo hôn, không có trẻ em ở thể suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi luôn đạt trên 97%... Với những cống hiến đó bà đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen có thành tích xuất sắc trong chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở.
Gửi phản hồi
In bài viết