Xưởng chè đầu tiên ở Tứ Quận
Ông Huỳnh là người xã Đức Ninh (Hàm Yên). Sau này lấy vợ, mới quyết định chuyển về Tứ Quận lập nghiệp.
Ông cười rổn rảng, bảo thực ra mình khởi nghiệp từ nghề buôn chuyến. Mùa nào thức nấy, nông dân làm ra được thức gì, ông sắn tay vào buôn thức đấy. Mùa sắn thì buôn sắn tươi về Hoài Đức (Hà Nội). Mùa mía thì buôn mía nguyên liệu về Nhà máy đường Vạn Điểm. Mùa chít, mùa củ bình vôi lại buôn khắp các tỉnh Tây Bắc. Đến vụ chè, ông lại thu gom đem về các xưởng chế biến chè ở Phú Thọ…
Những ngày buôn chè về Phú Thọ, là bước ngoặt trong cuộc đời của "tay buôn" Phạm Đình Huỳnh. Ông bảo, về thấy các xưởng chế biến khá đơn giản, trong khi nguồn nguyên liệu, nhân công lại kém xa quê mình. Sau chuyến buôn, ông quyết định cùng với một người họ hàng mở xưởng chế biến chè và thành lập Hợp tác xã Chè Quang Minh vào năm 2002. Xưởng của ông Huỳnh là xưởng chế biến chè đầu tiên của xã Tứ Quận thời điểm này.
Ông Phạm Đình Huỳnh.
Vùng chè của Tứ Quận thời điểm đấy lớn nhất nhì huyện Yên Sơn. Nguyên liệu dồi dào, nguồn lao động cũng tương đối đông, có tay nghề nên xưởng chè của Hợp tác xã hoạt động trơn tru năm đầu tiên. Xưởng chủ yếu sản xuất chè đen xuất sang các nước Trung Đông.
Gắn bó với nghề chè, nhưng ông Huỳnh bảo, mình cũng từng trên bờ vực phá sản vì nó không biết bao nhiêu lần.
Năm 2003, chiến tranh I rắc - thị trường chính tiêu thụ chè đen của Hợp tác xã Quang Minh nói riêng và rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè khu vực miền Bắc nói chung, ông Huỳnh lao đao, nhưng vẫn cố gắng duy trì xưởng để đảm bảo việc làm cho công nhân. Sau 2 năm, thị trường xuất khẩu chè đen bắt đầu có những tia sáng trở lại. Nga, Ấn Độ, Iran là những thị trường mới, tiềm năng, Hợp tác xã được vực dậy sau bờ vực phá sản đầu tiên.
Năm 2009, khủng hoảng kinh tế thế giới, lại thêm một lần ông ở lằn ranh của phá sản. Nhưng vốn lỳ lợm, ông cứ cầm cự thế, với tâm niệm trời không diệt đường của người có ý chí.
10 năm sau, đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu chè lao đao khi nhiều nước đóng cửa chống dịch, người trồng chè ở Tứ Quận nói riêng và nhiều địa phương khác của tỉnh chán nản, bỏ chăm sóc, khiến không chỉ xưởng ông mà nhiều xưởng chè trong khu vực không có đầu ra…
Ông Phạm Đình Huỳnh kiểm tra sản phẩm của công nhân trong xưởng may giày.
Ông Huỳnh bảo, sống chết với cây chè 21 năm, vợ chồng ông không chỉ đổ mồ hôi, công sức, mà còn mất cả máu. Ông chìa bàn tay phải chỉ còn 4 ngón của mình, bảo đây là tai nạn khi đi thăm xưởng và sửa chữa dây chuyền sản xuất. Vợ ông, trong một lần mang nước lên cho công nhân trong xưởng cũng bị tai nạn xe máy, ngã gẫy chân phải nằm viện cả tháng trời. Năm nay, thị trường được khơi thông, 30 ha chè của HTX không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, Hợp tác xã Chè Quang Minh ký hợp đồng thu mua sản phẩm trên tổng diện tích 200 ha của hơn 100 hộ dân thuộc địa bàn các xã Tứ Quận, Phúc Ninh (Yên Sơn), Đức Ninh, Yên Thuận (Hàm Yên).
Người "không có ruột"
Đối với một Hợp tác xã, doanh thu một năm đạt con số trên dưới 30 tỷ đồng như Hợp tác xã Chè Quang Minh là con số không hề nhỏ. Thời điểm hưng thịnh, Hợp tác xã Chè Quang Minh là đơn vị có số nộp ngân sách nhà nước lớn nhất nhì huyện Yên Sơn.
Giám đốc Hợp tác xã Phạm Đình Huỳnh cười, tự nhận mình là kẻ liều lĩnh. Người làng thấy ông cứ quay quắt với câu chuyện làm giàu, bảo nhau, "trong bụng lão này không có ruột đâu, toàn gan thôi".
Ngày mở xưởng chè, trong tay chỉ có ít vốn, ông "dầy mặt" đi vay khắp họ được hơn chục cây vàng mua đất mở xưởng, mua dây chuyền chế biến.
Năm 2012, khi Công ty cổ phần Giấy An Hòa mở nhà máy chế biến giấy trên địa bàn, thấy cơ hội lớn, ông lại chạy vạy vay tiền mở xưởng chế biến gỗ để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy. Ông cũng vừa mở rộng thêm một xưởng chế biến tại xã Đạo Viện để tận dụng nguồn nguyên liệu và lao động khu vực các xã ATK.
Năm 2022, thị trường chè đen đang có dấu hiệu "chững lại", ông mở rộng hướng sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực khác để phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. HTX Chè Quang Minh đã liên doanh với Công ty TNHH J-STAR VINA Tuyên Quang đầu tư nhà máy sản xuất giày da với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, quy mô nhà xưởng 6.000 m2. Địa điểm được ông chọn mở xưởng sản xuất nằm giáp ranh giữa Đức Ninh và Tứ Quận. Ông bảo, mình luôn muốn làm điều gì đó "tri ân" cho 2 mảnh đất gắn bó với ông. Số lao động làm việc tại xưởng chủ yếu cũng là lao động của 2 xã và các địa phương lân cận.
Xưởng mới thành lập nhưng đã giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động địa phương, với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Với công nghệ nhập khẩu từ Đài Loan, nhà máy sản xuất giày da của ông Huỳnh đã đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến, hiện đại nhất để gia công sản phẩm đạt chất lượng cao. Để nâng cao tay nghề cho công nhân, ông Huỳnh mời các chuyên gia nước ngoài đến tập huấn giúp công nhân trong nhà máy nâng cao được trình độ chuyên môn.
Mới đưa vào sản xuất đầu năm 2023, nhưng thu nhập của hơn 700 công nhân làm tại nhà máy đã đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Dự kiến cuối năm 2023, Hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tạo việc làm cho trên 1.000 công nhân. Người không ruột dự định, một vài năm nữa, xưởng của Hợp tác xã sẽ không chỉ gia công cho doanh nghiệp, mà tiến tới làm hoàn chỉnh từ công đoạn đầu tiên đến công đoạn cuối cùng một chiếc giày xuất khẩu.
Được dân làng ví như "người không ruột", nhưng trái tim của Giám đốc nông dân Phạm Đình Huỳnh luôn sẵn sàng vì những cảnh đời khó khăn. Ông nhẩm tính, từ năm 2020 đến nay, ông dành khoảng 500 triệu đồng cho các hoạt động nhân đạo từ thiện của tỉnh, của huyện. Riêng với hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, ông dành tặng hơn 10 hộ gia đình số tiền 50 triệu đồng mỗi nhà để hoàn thành, trong đó ưu tiên cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Yên Sơn.
Ông Huỳnh dùng câu "Áp lực tạo kim cương" để nói về mình. Khó khăn những ngày đầu khiến ông sợ, nhưng càng theo, lại càng thấy nó như động lực để ông bước tiếp, sải rộng và vươn xa hơn. Và với "người không ruột" Phạm Đình Huỳnh, câu chuyện làm giàu chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở đây.
Gửi phản hồi
In bài viết