Lấy dân làm gốc

- Tận tụy, gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào, ông Phan Văn Chiến, dân tộc Cao Lan, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn 1, xã Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang) luôn ghi nhớ bài học “Lấy dân làm gốc”. Đó là bài học kinh nghiệm để ông phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của người uy tín.

 

Ông Chiến có thâm niên trên 22 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Bác Hồ đã dạy rồi, cứ thế mà làm. Bản thân mình phải tốt, gương mẫu, gia đình mình cũng phải tốt thì nói dân mới nghe chứ - Đó là tôn chỉ của ông Chiến; động lực để ông tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân và dạy bảo con cháu trong suốt bao năm qua.

Ở cái tuổi 67, ông Chiến vẫn nhanh nhẹn, hăng say làm kinh tế. Trước gia đình ông có truyền thống chăn nuôi bò. Tuy nhiên, những năm 2008, 2009, bò mất giá. Ông trăn trở và đi tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Ông bán 3 cặp bò được hơn 20 triệu đồng để mua 5 con nhím con, gia đình ông là 1 trong những hộ đầu tiên nuôi nhím của Cổ Ngựa từ đó. Quá trình nuôi, ông Chiến nhận thấy nhím rất dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ tìm, ít dịch bệnh, ít công chăm sóc, giá cả ổn định nên mỗi năm ông nhân rộng quy mô, mô hình. Hiện nay, tổng đàn nhím của gia đình ông là 40 con, trong đó 10 con sinh sản. 

Vừa cung cấp giống cho bà con trong thôn, mỗi năm ông xuất ra thị trường khoảng 10 - 15 con nhím thịt, thu được khoảng 50 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi nhím, ông còn chăn nuôi bò, gà; trồng cây ngắn ngày làm thức ăn chăn nuôi. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của ông cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Giờ có 11 hộ ở Cổ Ngựa chăn nuôi nhím theo ông Chiến, tổng đàn mỗi năm ước trên 200 con. Tháng 7 vừa qua, Chi hội Nông dân thôn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi nhím nhằm tập hợp hội viên nông dân, trau dồi kinh nghiệm chăn nuôi.

Ông Phan Văn Chiến là người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi ở thôn 1, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Bằng uy tín của mình, ông Chiến đã đạt được nhiều “trái ngọt” trong công tác dân vận. Như năm 2019, ông cùng chi bộ vận động nhân dân đồng thuận việc sáp nhập thôn Viên Châu và thôn Cổ Ngựa. Bởi trước đó, người dân 2 thôn phản đối gay gắt. Nguyên nhân vì Viên Châu là người Kinh, Cổ Ngựa đa phần là người Cao Lan sinh sống, phong tục tập quán 2 dân tộc khác nhau. Ông Chiến còn vận động thành lập được tổ tự quản gìn giữ bản sắc dân tộc Cao Lan, duy trì tổ chức sinh hoạt định kỳ. Ông vận động người Cao Lan ở Cổ Ngựa thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. 

Từ năm 2019, sau khi sáp nhập thôn, ông Chiến xin thôi không làm Bí thư Chi bộ thôn. Hơn chục năm qua, ông Chiến liên tục là người uy tín được UBND tỉnh công nhận. Ông có 5 người con đều đã lập gia đình. Hàng năm, 5 gia đình đều đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa”. Năm 2020, ông là cá nhân duy nhất của xã được UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2000 - 2020. Năm 2021, ông được UBND tỉnh khen thưởng là người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Đỗ Đức Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 cho biết, ông Chiến giống như “cây cao, bóng cả”, “điểm tựa” vững chắc của chi bộ để thực hiện hiệu quả công tác dân vận, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục