Đa dạng dịch vụ phục vụ khách hàng
Hiện nay ở tỉnh ta, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử đã được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) được lắp đặt tại tất cả ở các huyện, thành phố với gần 90 máy; các máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS), điểm sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code) hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các siêu thị, đại lý kinh doanh, cửa hàng bán lẻ có quy mô khá. Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện được các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện và đông đảo khách hàng sử dụng. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 800 đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản, có khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp thuế qua ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng coi việc cung ứng dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi là một xu thế tất yếu để khẳng định uy tín. Hàng loạt ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như: Áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng.
BIDV Tuyên Quang giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới tới khách hàng.
Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang cho biết: BIDV Tuyên Quang là một trong những đơn vị đi đầu triển khai giao dịch trực tuyến, cung cấp các kênh thanh toán đa dạng và tiện lợi cho khách hàng như Internet Banking, BIDV Smartbanking... Khách hàng có thể dễ dàng đăng ký, thực hiện dịch vụ ngân hàng điện tử mọi lúc, mọi nơi như: chuyển khoản trong, liên ngân hàng; thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, học phí, viễn thông; tra cứu các thông tin về sản phẩm dịch vụ, số dư tài khoản, lịch sử giao dịch; nộp ngân sách Nhà nước, nộp tiền vào ví điện tử, nộp tiền điện thoại... Việc phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong những giải pháp trọng tâm của BIDV nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống ngân hàng hiện đại và thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ gần 1 năm trở lại đây, chị Nguyễn Thị Thu Hương, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho nhiều giao dịch thanh toán như: thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ internet, truyền hình... Đồng thời, các mặt hàng thực phẩm, lương thực, hàng hóa tiêu dùng, gần đây là vé máy bay đi du lịch của gia đình chị đều thanh toán trực tuyến, giao hàng tại nhà... Chị Hương cho biết: “Từng bước làm quen với dịch vụ ngân hàng điện tử, tôi càng thấy tiện ích của thanh toán không tiền mặt. Ngồi ở nhà, tôi có thể dễ dàng mua được hàng hóa, thanh toán dịch vụ mình cần qua các thao tác trên điện thoại di động hoặc nhấp chuột máy tính.
Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều đưa các ứng dụng tiện ích ngân hàng điện tử phục vụ khách hàng. Để tạo sự tin tưởng với khách hàng, các ngân hàng đều có những giải pháp để bảo mật và an toàn khi thực hiện giao dịch. Nếu như có bất kỳ biến động nào liên quan đến số dư tài khoản, hệ thống của các ngân hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo về số điện thoại khách hàng đăng ký. Đồng thời, khi thực hiện các giao dịch, hệ thống yêu cầu nhập mã OTP bằng tin nhắn để xác thực... Hiện nay, chưa có khách hàng trên địa bàn tỉnh phản ánh về việc không an toàn tài chính khi thực hiện giao dịch điện tử.
Đồng bộ các giải pháp
Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngành Ngân hàng xác định đối diện và vượt qua không ít thách thức như: các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng chưa đồng bộ. Việc chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng còn hạn chế. Nhận thức, thói quen ở một bộ phận người tiêu dùng cần có thời gian để tiếp cận và thích ứng...
Người dân sử dụng dịch vụ thanh toán qua POS khi mua hàng tại cửa hàng FPT trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, ngành Ngân hàng xác định tập trung vào những giải pháp chính là: nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được luật hóa và các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Ưu tiên các nội dung liên quan đến ứng dụng các công nghệ số như: thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng; giao dịch điện tử; xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật... Song song với đó, mở rộng và phát triển hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số.
Ngành ngân hàng nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng. Đồng thời, triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả; bảo đảm an toàn an ninh mạng và chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Gửi phản hồi
In bài viết