Toàn huyện hiện có trên 200 doanh nghiệp hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm hơn 20 dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện có hơn 20 doanh nghiệp thành lập mới. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng cơ bản, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, vận tải hàng hóa, kinh doanh xăng dầu, cung ứng giống vật tư nông lâm nghiệp,… tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động trực tiếp với mức thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Trước nhiều biến động của thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhất là những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực như: giải phóng mặt bằng, đất đai, tín dụng, những vấn đề liên quan đến môi trường, lao động, tiêu thụ nông sản, giá vật liệu tăng cao…
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng.
Thời gian qua, huyện Sơn Dương đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn lực xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng tổ chức nhiều buổi gặp mặt và đối thoại để tiếp tục tìm ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Đồng chí Hoàng Hải Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, để linh hoạt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định sản xuất, các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo các ngành, địa phương đã đến doanh nghiệp, trực tiếp đối thoại nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức đối thoại công khai định kỳ mỗi tháng 1 lần với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng thực chất, cầu thị. Huyện thực hiện tốt cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Huyện đặt hòm thư góp ý tại Bộ phận một cửa, xin phiếu khảo sát ý kiến nhân dân, doanh nghiệp về thái độ phục vụ, trình tự và thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Tăng cường triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên trang điện tử dichvucong.tuyenquang.gov.vn. Trong 6 tháng đầu năm, UBND huyện và các xã, thị trấn đã thực hiện giải quyết trên 150 loại thủ tục hành chính ở mức độ 4, mức độ 3; thực hiện việc cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và đẩy mạnh việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Dự án Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW được xây dựng trên diện tích gần 5 ha tại cụm công nghiệp Phúc Ứng với tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng, do Công ty TNHH JW Nông sản làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án trọng điểm của huyện Sơn Dương, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10-2022. Ông Chung Moon Ho, Quản lý kỹ thuật, Công ty TNHH JW Nông sản cho biết, ngay từ khi thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện rất tốt trong việc giải phóng mặt bằng, hoàn thành các thủ tục pháp lý. Chuẩn bị đi vào hoạt động, đơn vị mong muốn địa phương sẽ tiếp tục giúp đỡ trong việc tuyên truyền tuyển dụng nguồn nhân lực đầu vào giúp công ty nhanh chóng đưa dự án đi vào sản xuất.
Sơn Dương tạo điều kiện về đất đai, giải phóng mặt bằng cho Công ty TNHH JW Nông sản đầu tư vào cụm công nghiệp Phúc Ứng.
Ông Nguyễn Trác Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Sơn Dương khẳng định: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo huyện trong thời gian qua. Đặc biệt các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 đã được tạo điều kiện để tiếp cận vốn hiệu quả. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ này đạt hiệu quả cao và rõ nét hơn, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn, cơ chế, chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu; thủ tục hải quan, đăng ký kinh doanh…
Để cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, việc tổ chức đối thoại cần tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đổi mới, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Kết thúc đối thoại, thông báo rõ giải pháp tháo gỡ, trách nhiệm cơ quan giải quyết, tiến độ, thời gian giải quyết; tổng hợp các kiến nghị còn tồn đọng giao các cơ quan chức năng giải quyết và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải quyết những nội dung thông báo tại hội nghị đối thoại.
Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những năm qua, huyện Sơn Dương đang nhận được nhiều tín hiệu vui trong thu hút đầu tư và đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết