Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Beirut, Lebanon.
Theo Reuters, phát biểu trên kênh truyền hình địa phương của Lebanon Al-Jadeed ngày 4-4, Phó Thủ tướng Saade Chami nêu rõ: "Nhà nước cũng như Ngân hàng Trung ương Lebanon đã phá sản, tuy nhiên chúng tôi sẽ tìm cách giảm thiểu thiệt hại cho người dân".
Thời gian qua, Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến (1975-1990) dẫn đến sự sụp đổ tài chính, cũng như thiệt hại lớn đối với hệ thống ngân hàng, ước tính của chính phủ vào khoảng 69 tỷ USD. Việc rút tiền mặt bằng ngoại tệ ở Lebanon đã bị hạn chế nghiêm ngặt kể từ năm 2019. Vào tháng 8-2020, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi một vụ nổ cực lớn đã tàn phá bến cảng Beirut, làm hư hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của thành phố, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người.
Việc thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng cộng với đồng nội tệ mất giá trị hơn 90% đã kéo giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang, khiến khoảng 74% dân số nước này rơi vào cảnh nghèo đói.
Khi giá lúa mì và dầu tăng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, Lebanon đang phải chứng kiến những cảnh tượng lặp lại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa hè năm 2021, với tình trạng thiếu hụt xảy ra ở các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trong khi ô tô đứng hàng giờ đồng hồ xếp hàng dài trước các trạm xăng.
Bên cạnh sự gia tăng của chi phí vận tải, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực điện lực được cho là sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Công ty Điện lực quốc gia Electricité du Liban (EDL), vốn đã thiếu tiền mua nhiên liệu, giờ đây càng ít nguồn lực hơn để cung cấp điện cho đất nước.
Điều này dự kiến dẫn đến sự gia tăng mất điện ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của người dân Lebanon. Ngành nông sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Sami Hallabi, Giám đốc chính sách của Triangle - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Beirut nhận định, Lebanon sẽ trải qua thời kỳ mất an ninh lương thực liên quan đến nhập khẩu các mặt hàng cơ bản. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nền kinh tế Lebanon đã giảm gần 60% từ năm 2019 đến năm 2021.
Trên thực tế, Lebanon không phải là quốc gia duy nhất tuyên bố phá sản. Thông báo của Phó Thủ tướng Saade Chami gợi lại những ký ức khó khăn mà Hy Lạp đã trải qua trong suốt một thập kỷ qua. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp được thể hiện bằng việc đi vay, khi giá trị khoản nợ của Athens tăng đến mức nước này tuyên bố gần vỡ nợ. Đến giữa năm 2010, Hy Lạp chính thức yêu cầu Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ khẩn cấp để có thể trả các khoản lãi và nợ đúng hạn.
Gốc rễ sâu xa đẩy Lebanon vào tình trạng hiện nay là thực tế nhiều năm tăng trưởng ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng diễn ra trên diện rộng. Pháp đã và đang dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy Lebanon giải quyết tham nhũng và thực hiện các cải cách do các nhà tài trợ yêu cầu. Một chính phủ mới được thành lập vào cuối năm 2021 trong khi các cuộc đàm phán để ký một thỏa thuận sơ bộ giữa Lebanon và IMF về một gói hỗ trợ nhằm giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng tài chính hiện vẫn đang diễn ra. Dẫu vậy, cho đến nay Chính phủ Lebanon vẫn chưa thực hiện bất kỳ chính sách cải cách quan trọng nào.
Theo đánh giá của giới phân tích, để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, Chính phủ Lebanon cần nhanh chóng thực hiện một loạt giải pháp then chốt, trong đó có các cải cách hết sức cấp thiết về kinh tế và tài khóa.
Gửi phản hồi
In bài viết