Libya khởi động tiến trình hòa giải dân tộc toàn diện: Thúc đẩy lộ trình tìm kiếm hòa bình

Tiến trình hòa giải dân tộc toàn diện tại Libya đã chính thức được khởi động hồi đầu tuần này, như một phần trong nỗ lực đem lại hy vọng cho quốc gia Bắc Phi sau gần 10 năm chìm trong nội chiến. Các nhà chức trách tin rằng, bước đi này sẽ giúp thúc đẩy lộ trình tìm kiếm hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc bầu cử quốc gia đang rất được mong đợi, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohammad Younes Menfi tuyên bố khởi động tiến trình hòa giải dân tộc toàn diện.

Theo Hãng Aljazeera, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohammad Younes Menfi, người được Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra hồi tháng 2-2021 tại Geneva (Thụy Sĩ) lựa chọn, đã chính thức tuyên bố khởi động tiến trình hòa giải dân tộc toàn diện với việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Như một phần của nỗ lực hòa giải, Hội đồng Tổng thống Libya cho biết, một số tù nhân chính trị đã mãn hạn tù hoặc chưa bị kết án đã được thả, trong đó có Al-Saadi Gaddafi - con trai của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi cùng một số quan chức khác trong chế độ cũ… Phát ngôn viên Hội đồng Tổng thống Libya Najwa Wahiba khẳng định, quyết định trả tự do cho các tù nhân này dựa trên các phán quyết tư pháp và Hội đồng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để trả tự do cho các tù nhân khác.

Văn phòng truyền thông của Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya cho rằng, quyết định trên sẽ không thể thực hiện được nếu không có mong muốn và thiện chí thực sự của người dân nước này. Đánh giá cao tất cả những nỗ lực đã được thực hiện để đạt được hòa giải, ông M.Menfi nói thêm: “Giai đoạn khởi động của chương trình hòa giải dân tộc phản ánh mong muốn thực sự của người dân Libya là vượt qua những khác biệt, từ bỏ chia rẽ, chấm dứt đổ máu và chấm dứt mọi đau khổ”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xích lại gần nhau và củng cố các nỗ lực nhằm xây dựng một nhà nước hòa bình thống nhất.

Trong khi đó, đăng tải trên Twitter, Thủ tướng Libya Abdul Hamid Mohammed Dbeibah nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tiến về phía trước mà không đạt được hòa giải”. Tiến trình hòa giải dân tộc toàn diện được khởi động là nỗ lực thúc đẩy quá trình hòa giải toàn diện ở Libya, với nền tảng là việc thực thi và tôn trọng luật pháp.

Từ năm 2014, quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền song song. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Nga, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập... ủng hộ. Sau gần 1 thập kỷ nội chiến, các phe tham chiến ở Libya đã nhất trí ngừng bắn vào năm 2020 và một chính phủ thống nhất mới mà cả hai bên tán thành đã được thành lập vào tháng 3 để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 12, động thái được coi là cơ hội tốt nhất cho hòa bình ở Libya trong suốt nhiều năm.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 6-9, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) nhận định rằng, việc trả tự do cho các tù nhân chính trị thể hiện một bước quan trọng hướng tới tôn trọng pháp quyền và nhân quyền và là một diễn biến tích cực có thể đóng góp vào quá trình hòa giải quốc gia. Bình luận trên kênh Sky News Arabia, các nhà phân tích chính trị cho rằng, đây là bước đi tốt để hoàn thành hòa giải, trong khi tổ chức bầu cử vẫn là điều quan trọng và được trông đợi nhất. Trong nỗ lực hướng tới hòa bình vốn còn nhiều gian nan, việc khởi động tiến trình hòa giải dân tộc toàn diện đã cho thấy sự cố gắng của các bên liên quan nhằm bảo đảm một môi trường tích cực và thiện chí cho cuộc bầu cử quốc gia diễn ra vào tháng 12 tới, mang cơ hội hòa bình quý báu tới cho người dân Libya.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục