Tiêm phòng Covid-19 được đẩy mạnh, giúp nước Anh trở lại cuộc sống bình thường mới.
Đến ngày 9-9, đã có 7 loại vắc xin phòng Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng là: Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức), AstraZeneca của Oxford (Anh), AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen (của Johnson & Johnson, Mỹ), Moderna (Mỹ), Sinopharm/BBIP và Sinovac (Trung Quốc).
Các dữ liệu của WHO cho thấy, vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc Covid-19 nặng do biến chủng Delta. Theo nghiên cứu gần đây nhất, vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả trong việc ngăn ngừa vi rút SARS-CoV-2 và những biến chủng của nó lên tới hơn 90% khi tiêm đủ hai mũi. Trong khi đó, vắc xin AstraZeneca của Oxford có thể có hiệu quả khoảng 85-90%.
Các chuyên gia y tế của WHO khuyến cáo, tiêm phòng là một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại Covid-19. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu khoa học được rất nhiều quốc gia thực hiện. Các báo cáo gần đây ở Canada chỉ ra rằng, chưa tới 1% những người được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Ngoài ra, một người đã tiêm phòng nếu nhiễm SARS-CoV-2, các triệu chứng luôn nhẹ hơn người chưa tiêm. Vì vậy, WHO kêu gọi người dân đi tiêm phòng sớm nhất có thể, đừng lựa chọn vắc xin mà bỏ lỡ một “lá chắn” quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.
Theo Báo Tài chính của Anh, hiện nhiều nước đang dần đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng khi tỷ lệ tiêm chủng lên tới trên 70%. Trong số đó, có Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đạt 78,9%, Bồ Đào Nha đạt 77,6%, Chile đạt 72,8%...
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia vừa phải đối mặt với việc không đủ nguồn cung, thiếu nguồn nhân lực vừa gặp phải sự hoài nghi của công chúng về hiệu quả của một số vắc xin.
Mới đây, tờ “Thời báo Manila” của Philippines phản ánh, chiến dịch tiêm phòng Covid-19 ở nước này bị chậm lại do một bộ phận người dân có tâm lý sợ bị rủi ro khi tiêm chủng và không ít người yêu cầu được lựa chọn vắc xin. Bài báo đã dẫn lời của Tiến sĩ vi sinh học Nina Gloriani cho rằng, bất kỳ loại vắc xin nào được WHO cấp phép sử dụng đều có khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2.
Theo các chuyên gia WHO, các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc xin phòng Covid-19. Nếu không đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, tỷ lệ tử vong sẽ lớn hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Các chuyên gia y tế lo ngại, tâm lý chờ đợi, kén chọn vắc xin của một bộ phận người dân có nguy cơ ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch Covid-19 toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia được đánh giá là điểm nóng về dịch bệnh. Vì vậy, các nước cần nhanh chóng tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin được WHO cấp phép, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, coi tiêm phòng là trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng.
Tiêm chủng được coi là biện pháp hữu hiệu nhất giúp đưa cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường. Đặc biệt, khi nguồn cung vắc xin còn hạn chế ở nhiều nước thì càng không thể lựa chọn, mà “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Như Tiến sĩ người Mỹ Frank Esper, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh: “Đừng chờ đợi rồi bỏ lỡ cơ hội cho chính bản thân bạn và cộng đồng”.
Gửi phản hồi
In bài viết