Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, một số loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được các địa phương trong tỉnh ưu tiên mở rộng. Trong đó, hình thành các vùng chuyên canh, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như cam, mía, chè, lạc, gỗ rừng trồng,… Đồng thời hình thành một số chuỗi giá trị có hiệu quả như chuỗi sản xuất chè an toàn Hồng Thái (Na Hang); liên kết bao tiêu sản phẩm cam sành Hàm Yên với Tập đoàn Masan; chuỗi sản xuất rau quả an toàn của HTX Đức Ninh (Hàm Yên); liên kết sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của HTX Tiến Huy, xã Tiến Bộ (Yên Sơn), liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành… Các mô hình thực hiện theo chuỗi liên kết đều được bao tiêu sản phẩm, qua đó tạo dựng được lòng tin cho người nông dân thông qua các mô hình liên kết.
Khu vực nuôi trâu của HTX chăn nuôi, kinh doanh thịt trâu, bò sạch xã Thái Sơn (Hàm Yên).
Xã Hùng Mỹ là một trong những địa phương có truyền thống chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của huyện Chiêm Hóa. Thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giữa HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ được triển khai theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hiện Hùng Mỹ là xã đi đầu của huyện Chiêm Hóa trong phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Hiện tổng đàn trâu, bò của xã là 2.248 con, trong đó có gần 30 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Năm 2021, sản phẩm thịt trâu tươi và thịt trâu khô Hùng Mỹ của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Thành Công đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh Chương trình OCOP nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Đây là điều kiện để xã tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tạo dựng sản phẩm đặc trưng, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành đã ký hợp đồng thực hiện liên kết chăn nuôi trâu thịt vỗ béo với hơn 30 HTX và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, trên 300 hộ xã viên tham gia. HTX Tiến Thành đã cung ứng cho các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại chăn nuôi trong chuỗi liên kết gần 2.000 con trâu nuôi vỗ béo. Sau khi kết thúc thời gian chăn nuôi, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi.
Anh Trương Minh Tâm, Giám đốc HTX chăn nuôi, kinh doanh thịt trâu, bò sạch xã Thái Sơn (Hàm Yên) phấn khởi bảo, HTX được thành lập năm 2019, ngành nghề chính là liên kết chăn nuôi, kinh doanh thịt trâu, bò sạch. Ngay sau khi thành lập, HTX được huyện hỗ trợ 60 con trâu, 51 con bò từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới cho các thành viên. Từ động lực này, HTX không ngừng mở rộng quy mô chăn nuôi, hiện 16 thành viên trong HTX có tổng đàn trên 200 con trâu, bò. Bình quân mỗi tháng các thành viên trong HTX sau khi trừ chi phí thu lãi trên 10 triệu đồng. Thời gian tới, HTX hướng tới xây dựng 2 lò mổ đạt chuẩn, chế biến sâu sản phẩm sau chăn nuôi cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh... Thực tế cho thấy việc liên kết nuôi, trâu, bò vỗ béo sẽ tăng trọng lượng nhanh nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng, bán được giá cao... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, du lịch đình trệ... khiến nhu cầu tiêu thụ thịt giảm, chuỗi tiêu thụ thực phẩm bị đứt gãy. Do đó, giá thịt gia súc giảm mạnh, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên số vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, một số hộ khó khăn về vốn không có điều kiện đầu tư phát triển. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có điều kiện thành lập trang trại hoặc chăn nuôi quy mô lớn nên chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tạo điều kiện giúp người dân được vay vốn phát triển chăn nuôi đàn gia súc. Đồng thời, thực hiện việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, chuyển đổi diện tích đất không chủ động nguồn nước sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là chăn nuôi trâu, bò tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa quy mô mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Triển khai mô hình nuôi trâu vỗ béo liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giúp cho người nông dân yên tâm chăn nuôi, tạo đầu ra ổn định. Đây là tiền đề quan trọng để sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gửi phản hồi
In bài viết