Thực tiễn đã chứng minh không một địa phương, tỉnh nào chú trọng phát triển du lịch mà chỉ “đơn phương độc mã” hay “bế quan tỏa cảng” cả. Xét về vị trí địa lý, Tuyên Quang cách Thủ đô Hà Nội không xa, khoảng 140 km, là trung tâm của chiến khu Việt Bắc xưa. Từ Tuyên Quang có thể sang Đông Bắc, Tây Bắc hay xuôi về đồng bằng Bắc Bộ đều thuận lợi. Tuyên Quang và một số tỉnh khác đều chung dòng sông Lô oai hùng đổ về sông Hồng. Xét về lịch sử, văn hóa thì Tuyên Quang là bảo tàng cách mạng của cả nước với 658 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa) và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, dần đi vào chiều sâu. Nội dung hợp tác gồm xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương; hợp tác xây dựng hạ tầng giao thông và viễn thông. Cơ chế liên kết, các tỉnh thực hiện theo cơ chế luân phiên làm trưởng nhóm hợp tác đăng cai tổ chức các hoạt động trong một năm.
Tuyến du lịch Huyền thoại sông Gâm giữa Tuyên Quang và Hà Giang đang được đưa vào khai thác, phục vụ du khách.
Vừa qua trong khuôn khổ sự kiện lễ khai mạc chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII - Hà Giang năm 2022” tại đây đại biểu các tỉnh thảo luận về chủ đề “Phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc”, các tỉnh vùng việt Bắc đã thống nhất đề xuất tổ chức công bố 3 sản phẩm du lịch liên vùng gồm “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”, “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”, “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”.
Có thể nói đây là 3 sản phẩm, tuyến du lịch chuyên đề có tính liên vùng và khả năng khai thác cao, lần đầu tiên các tỉnh phối hợp tổ chức khảo sát và công bố sẽ góp phần mở ra cơ hội thị trường, hình thành thương hiệu điểm đến và là cơ sở để các tỉnh và các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu xây dựng hình thành các tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới trong tương lai.
Đối với những tỉnh giáp ranh, Tuyên Quang cũng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Cùng với Hà Giang mở tuyến du lịch “Huyền thoại sông Gâm”, du khách từ huyện Bắc Mê có thể xuôi thuyền xuống hồ sinh thái Lâm Bình, Na Hang và ngược lại. Hiện nay tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn đang làm hồ sơ chung Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Việc mở tuyến đường bộ liên kết giữa huyện Ba Bể, Bắc Kạn và Na Hang, Tuyên Quang hiện nay cũng đang được triển khai. Ngoài ra các tuyến đi hồ Thác Bà, Yên Bái; đền Hùng, Phú Thọ đã được hình thành. Tuyên Quang cũng chủ động quan hệ tốt với hai trung tâm du lịch lớn của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều hội nghị truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, trưng bày, triển lãm, giao lưu, hợp tác giữa hai bên được diễn ra trong thời gian vừa qua. Tỉnh cũng liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, công ty du lịch lớn như: Vietravel, Vietjet Air; Vingroup, Mường Thanh, Hanoitourist, Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thấm, Giám đốc Ban Quản lý Du lịch Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn mới có chuyến công tác sang Tuyên Quang khẳng định, Tuyên Quang có một vị trí quan trọng trong vùng Việt Bắc cả ở yếu tố lịch sử, văn hóa và vị trí địa lý. Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng như ngành du lịch luôn quan tâm, chủ động thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng, nhất là các tỉnh giáp ranh. Với những bước đi và cam kết mạnh mẽ này, tôi nghĩ du lịch Tuyên Quang cũng như du lịch vùng Việt Bắc sẽ có những khởi sắc. Theo tôi liên kết phát triển du lịch, yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.
Gửi phản hồi
In bài viết