Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Mỗi quận, huyện phát triển ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển hơn nữa.
Sau thời gian rà soát, Ủy ban nhân dân quận 11 đã phối hợp Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim cánh cụt khai thác một số tài nguyên để hình thành tour du lịch “Quận 11-Có một Chợ Lớn rất khác”.
Tour du lịch này được xem là chuyến đi nhằm tham quan các địa điểm văn hóa, có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và cũng là những địa điểm để tham quan, vui chơi, thưởng thức ẩm thực có nhiều tiềm năng về sinh thái cộng đồng; đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, vui chơi, giải trí cho khách du lịch.
Đầu tiên, khách du lịch có thể ghé thăm đạo quán Khánh Vân Nam Viện (đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16). Ngôi đạo quán này được hình thành từ năm 1936, do một số đạo sĩ ở Quảng Đông (Trung Quốc) sang và truyền bá đạo Lão (Đạo giáo) vào cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, lấy tên là Khánh Vân Nam Viện.
Đến nay, đạo quán đã phát triển được hơn 2.000 tín đồ. Đây là ngôi đạo quán hiếm hoi và lớn nhất miền nam, mang yếu tố tổng hợp của “tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo-Đạo giáo-Nho giáo). Ngoài là nơi hành hương của cộng đồng người Hoa tại thành phố, Khánh Vân Nam Viện còn là điểm đến tham quan của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Cũng mang dấu ấn văn hóa của người Hoa là Đoàn lân-sư-rồng Thắng Nghĩa Đường, thuộc môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, có quá trình hình thành và phát triển tại Việt Nam được 43 năm.
Năm 1933, một bậc cao thủ của môn phái Thái Lý Phật là Đặng Văn Thành từ Quảng Châu qua Việt Nam truyền dạy môn võ công này tại khu chợ Thiếc (phường 6, quận 11) và được xem là người đầu tiên đưa môn võ Thái Lý Phật vào Việt Nam. Đến năm 1979, ông Thành thành lập Đoàn lân-sư-rồng Thắng Nghĩa Đường và đăng ký võ phái với tên gọi Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật tại Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.
Thành công lớn nhất của Thắng Nghĩa Đường là thành lập được Tổ quán môn phái Thái Lý Phật có tên là “Thắng Nghĩa Tổ Quán” vào năm 2018…
Còn để kết hợp tham quan và mua sắm, du khách có thể đến Chợ Thiếc (phường 6), được xem là ngôi chợ truyền thống khá lớn của khu vực Chợ Lớn.
Chợ Thiếc, hình thành từ khoảng năm 1945, với những quầy, sạp đơn sơ… Khoảng những năm thuộc thập niên 70 của thế kỷ 20, Chợ Thiếc được xây dựng lại bằng gạch và tiếp tục được tu bổ thường xuyên từ năm 1986 cho đến nay.
Hiện nay, Chợ Thiếc là ngôi chợ truyền thống có bán gần như đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: đồ tươi sống, các loại thực phẩm, vàng mã, quần áo... Đặc biệt, nơi đây là một trong những chợ kim hoàn lớn của thành phố; chuyên chế tác, gia công, sửa chữa, mua bán vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức…
Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm con đường Hà Tôn Quyền (phường 4) để thưởng thức sủi cảo. Đây là một món ăn truyền thống quen thuộc của người Hoa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho sự may mắn và đoàn tụ gia đình; tạo nên khu ẩm thực riêng biệt và có tiếng tại quận 11 cũng như khu vực Chợ Lớn.
Gửi phản hồi
In bài viết