Tăng diện tích cây vụ đông
Vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 13.191 ha cây trồng, tăng 854 ha so với năm ngoái. Trong đó, cây ngô phấn đấu trồng 7.996 ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng 39.956 tấn; cây đậu tương 115 ha, năng suất 19,9 tạ/ha, sản lượng 229 tấn; cây lạc 3.370 ha, năng suất 29,8 tạ/ha, sản lượng 10.051 tấn; cây khoai lang 420 ha, năng suất 64,9 tạ/ha, sản lượng 2.726 tấn; rau, đậu các loại 1.290 ha, năng suất 86,1 tạ/ha, sản lượng 11.124 tấn. Đến ngày 20-10, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành vượt diện tích trồng ngô lấy hạt với 5.272,5/4.785 ha; ngô thức ăn gia súc 2.990,2/ 3.220 ha; cây khoai lang và rau củ các loại 2.671,3/ 4.490 ha.
Người dân xã Minh Thanh (Sơn Dương) tích cực trồng cây vụ đông.
Chiêm Hóa là một trong những huyện đi đầu trong sản xuất vụ đông, đến nay đã có 2.488,9/2.850 ha ngô được trồng và 532,3/865 ha cây rau đậu các loại đã được trồng. Điểm mới trong sản xuất vụ đông năm nay của huyện Chiêm Hóa là người dân đã tập trung vào các cây trồng có liên kết bảo đảm đầu ra ổn định. Anh Nguyễn Quốc Việt, thôn Lăng Đén, xã Tri Phú cho biết, vụ đông năm nay anh thầu 1 ha đất ruộng của người dân trong thôn trồng dưa chuột và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Thành Đạt (Yên Sơn). Anh Việt chia sẻ “HTX hỗ trợ một phần giống và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch, do vậy gia đình đã quyết định đầu tư mở rộng diện tích. Thực tế đã có nhiều người trồng dưa tại các xã trên địa bàn huyện có thu nhập khá từ trồng dưa liên kết bao tiêu sản phẩm nên gia đình yên tâm sản xuất”.
Vụ đông này trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có gần 500 ha cây trồng liên kết sản xuất với các công ty, HTX với các giống cây trồng như: ngô sinh khối, ngô ngọt, dưa chuột, ớt, khoai tây. Ông Trần Ngọc Phong, Giám đốc HTX Nông nghiệp Minh Hoàng (Chiêm Hóa) cho biết, HTX chuyên thu mua cây ngô sinh khối sơ chế làm thức ăn chăn nuôi. Vụ đông này HTX tiếp tục hợp đồng với người dân duy trì 200 ha ngô sinh khối, hiện các diện tích ngô đã được người dân trồng, dự kiến cho thu hoạch vào giữa tháng 11.
Gia đình anh Nguyễn Quốc Việt, thôn Lăng Đén, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) trồng dưa chuột vụ đông.
Tạo mối liên kết bền vững
Không chỉ huyện Chiêm Hóa, tại các địa phương trên toàn tỉnh cũng đang thực hiện hiệu quả các giải pháp để mở rộng diện tích các loại cây trồng vụ đông có liên kết sản xuất nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, như mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vụ đông nhằm hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp, HTX chưa thực sự bền chặt. Đã có một số loại cây trồng liên kết sản xuất được hình thành, hiệu quả cũng đã được minh chứng. Đó là khi các bên liên kết đều tuân thủ nghiêm các điều khoản cam kết trong hợp đồng. Thế nhưng, cũng có không ít những liên kết chưa hiệu quả.
Lý giải về điều này, đồng chí Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, để xây dựng được mối liên kết hiệu quả, bền vững cần có sự tổng hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình liên kết đang còn một số hạn chế như nhiều doanh nghiệp, HTX còn ngần ngại đầu tư lâu dài do không đủ năng lực; đầu tư cho nông nghiệp lớn nhưng mức độ rủi ro cao. Đối với người dân, đa số nông dân vẫn còn quen với sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc tiếp cận thông tin thị trường, một số hộ nông dân mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, HTX nhưng khi giá nông sản trên thị trường tăng thì lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác để hưởng giá cao hơn gây mất lòng tin với doanh nghiệp.
Thành viên HTX Thành Đạt, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) chăm sóc cây dưa chuột.
Để tạo mối liên kết bền vững cần lựa chọn được đối tác tin cậy, có năng lực trước khi thực hiện xây dựng vùng liên kết. Cần nâng cao nhận thức của người dân về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm các nội dung cam kết trong hợp đồng.
Anh Phạm Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thành Đạt, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, HTX liên kết với Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền (Bắc Ninh) trồng 5 ha dưa chuột. Hợp đồng ký kết theo từng năm, trong đó công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm dưa chuột sau thu hoạch với giá cố định 5.000 đồng/kg. Để có đủ sản lượng cung ứng cho công ty, tránh tình trạng các thành viên bán dưa ra ngoài, HTX tiến hành ký hợp đồng sản xuất đối với 12 thành viên trong HTX, trong đó có điều khoản nếu thành viên nào bán dưa ra ngoài sẽ bị phạt theo hợp đồng quy định, do vậy các thành viên đều tuân thủ nghiêm túc. Anh Trần Văn Mạnh, thành viên HTX Thành Đạt chia sẻ: “Với 5 sào ruộng trồng dưa chuột, giá bán cố định 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình thu lãi ổn định từ 45 - 50 triệu đồng mà không lo giá cả thị trường lên xuống”.
Nhờ liên kết sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp và người dân đã tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân ngày càng gắn bó với đồng ruộng. Bên cạnh đó, liên kết trong sản xuất, góp phần giải quyết nỗi lo được mùa mất giá cho bà con, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp ổn định.
Gửi phản hồi
In bài viết