Liên minh cầm quyền tại Nam Phi đạt được thỏa thuận chung: Vẫn còn nhiều thách thức

Với nỗ lực của Tổng thống Cyril Ramaphosa, Nam Phi đã thành lập được một Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) với liên minh gồm 5 đảng: Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Liên minh Dân chủ (DA), Tự do Inkatha (IFP), Liên minh yêu nước (PA) và GOOD.

Việc 5 đảng đạt được thỏa thuận chung để điều hành đất nước giúp gỡ bỏ nguy cơ rơi vào bế tắc chính trị. Tuy nhiên, Chính phủ nhiệm kỳ mới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn.


Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (đứng giữa) hy vọng Chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ mang lại “kỷ nguyên mới” cho đất nước. Ảnh: CGTN.

Theo tuyên bố vừa được GNU công bố, liên minh chính phủ đại diện cho 273 ghế, tương đương 68% số ghế trong Quốc hội Nam Phi. Trong đó, ANC giành được 159 ghế, DA là đảng lớn thứ hai với 87 ghế, IFP có 17 ghế, PA có 9 ghế và GOOD có 1 ghế. Tổng thống Cyril Ramaphosa sẽ thực hiện đặc quyền bổ nhiệm nội các, từ sự tham khảo ý kiến của các lãnh đạo trong GNU, tuân thủ quy định hiện hành về việc ra quyết định và lập ngân sách của Chính phủ. GNU sẽ bảo đảm tất cả các bên tham gia có đại diện trong Chính phủ và cơ quan lập pháp, đưa ra quyết định bằng sự đồng thuận, với các cơ chế giải quyết mâu thuẫn khi cần thiết.

Trong số các ưu tiên của mình, GNU sẽ tập trung vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, toàn diện và bền vững; thúc đẩy đầu tư vốn cố định; tạo việc làm; công nghiệp hóa và phát triển cơ sở hạ tầng... Mục tiêu của Chính phủ mới là xây dựng một xã hội công bằng, giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, mất an ninh lương thực và chi phí sinh hoạt cao; bảo vệ quyền của người lao động; cung cấp các dịch vụ cơ bản có chất lượng.

Việc thành lập GNU, nhất là cái “bắt tay” giữa 2 đảng từng là đối thủ chính trị ANC và DA, mang lại hy vọng về một “làn gió mới” cho Nam Phi, một quốc gia đang phải vật lộn với di sản của hệ thống phân biệt chủng tộc. Hơn thế nữa, sự tham gia của nhiều đảng phái trong Chính phủ liên hiệp sẽ giúp tăng thêm nhiều ý tưởng cải cách quốc gia, vốn bị đè nặng bởi nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng, tội phạm và dịch vụ công yếu kém. Sự hợp tác giữa ANC và DA - vốn có hệ tư tưởng rất khác nhau, còn cho thấy, hai đảng đã sẵn sàng giải quyết những khác biệt vì lợi ích chung của người dân. Chính Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng đã khẳng định trong bài phát biểu sau khi tái đắc cử rằng, việc thành lập liên minh cầm quyền là một “sự ra đời mới, một kỷ nguyên mới cho đất nước”, đồng thời nhấn mạnh, đã đến lúc các bên “vượt qua những khác biệt và hợp tác cùng nhau”.

Hiện tại, những nỗ lực thu hẹp khoảng cách của ANC và DA đang được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế diễn ra ở nhiều quốc gia cho thấy, các Chính phủ liên hiệp sẽ không tránh khỏi có lúc bất đồng. Danh sách những vấn đề chưa đạt được thống nhất chung giữa 2 đảng lớn nhất Nam Phi vẫn còn khá dài, bao gồm quốc hữu hóa và tư nhân hóa các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tài trợ cho chăm sóc sức khỏe, quyền lao động và chính sách đối ngoại.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Nam Phi là một quốc gia có sự bất bình đẳng kinh tế lớn nhất toàn cầu. Những năm gần đây, người dân phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Các dịch vụ xã hội của đất nước, bao gồm giáo dục, cấp nước và chăm sóc sức khỏe đang bị ảnh hưởng... Chưa kể tới đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất trong 15 năm qua đã tấn công Nam Phi vào tháng 2-2023 và đến nay vẫn đang lan rộng. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra trên cả nước do Chính phủ không thể cung cấp đủ điện, nước sinh hoạt cho người dân dẫn đến tình trạng mất vệ sinh và các bệnh nhiễm trùng khác.

Cùng với đó, tình trạng tội phạm gia tăng đang đe dọa cơ sở hạ tầng của đất nước. Nạn trộm cắp dây cáp đường sắt đã hạn chế hoạt động của các đoàn tàu chở khoáng sản, ảnh hưởng đáng kể việc sản xuất điện - nguồn năng lượng quan trọng nhất đối với nền kinh tế Nam Phi. Các công ty khai thác mỏ cũng gặp khó khăn, mất một phần lợi nhuận do những sự cố như vậy. Đây là lý do ngành an ninh tư nhân ở nước này tuyển dụng nhân sự nhiều hơn cả số cảnh sát và quân đội cộng lại.

Để lấy lại hình ảnh một quốc gia từng có thời kỳ đi đầu về phát triển tại Lục địa Đen, các nhà bình luận cho rằng, bằng kinh nghiệm điều hành đất nước, Tổng thống Cyril Ramaphosa (71 tuổi), đại diện cho ANC và lãnh đạo DA John Steenhuisen (48 tuổi) với những ý tưởng đổi mới của thế hệ trẻ hơn nên cùng hóa giải những bất đồng để mang đến “kỷ nguyên hy vọng mới” cho Nam Phi.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục