Người di cư xếp hàng trên đảo Lampedusa (Italia) để chờ được chuyển vào đất liền.
Lampedusa một lần nữa trở thành điểm nóng nhập cư của châu Âu sau khi hơn 11.000 người đến Italia trong tuần trước, nâng số người đến quốc gia Nam Âu trong năm nay lên hơn 127.000 người (chủ yếu từ Guinea, Côte d'Ivoire và Tunisia) - tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Người dân địa phương và ngày càng nhiều chính trị gia Italia coi những gì đang diễn ra ở đây là một “cuộc xâm lược”.
Trong năm qua, tuyến đường trung tâm đi qua Lampedusa đã trở thành phổ biến nhất đối với những người di cư muốn đến châu Âu qua Địa Trung Hải. Người phát ngôn của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Flavio Di Giacomo cho biết, trong năm 2015 và 2016, "khoảng 8% số người vượt biển đã đến Lampedusa", năm nay con số này là hơn 70%.
Trong chuyến thăm Lampedusa hôm 17-9, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, đã cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, đồng thời cho biết “tương lai của châu Âu đang bị đe dọa” trừ khi các nước Liên minh châu Âu (EU) hợp tác cùng nhau để đưa ra “các giải pháp nghiêm túc”. Thực tế, vấn đề người di cư tiếp tục là thách thức lớn đối với Chính phủ Italia. Khi lên nắm quyền vào tháng 10-2022, chính quyền Thủ tướng Giorgia Meloni cam kết giải quyết và đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Tunisia, nơi xuất phát của phần lớn chuyến tàu di cư trái phép.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố về một kế hoạch hành động 10 điểm của EU để giải quyết tình trạng khẩn cấp về người di cư và chia sẻ gánh nặng với Rome. Kế hoạch này bao gồm một cơ chế đoàn kết, thông qua đó các quốc gia châu Âu tiếp nhận người nhập cư đã đến Lampedusa, cập nhật luật pháp châu Âu về chống buôn người, khả năng triển khai một chiến dịch hải quân mới của EU ở Địa Trung Hải, hồi hương nhanh hơn những người có yêu cầu tị nạn đã bị từ chối và mở các hành lang nhân đạo an toàn cho những người di cư hợp pháp.
Tuy nhiên, các biện pháp này được nhận định tương tự như các sáng kiến trước đó và không tạo ra nhiều tác động. Khi được hỏi về nội dung của kế hoạch này hôm 18-9, những người phát ngôn của EC đã không thể xác nhận một số đề xuất sẽ hoạt động như thế nào trên thực tế. Ba Lan cũng như Hungary đã khẳng định không tham gia, Bỉ thì cho biết, phải tạm dừng tiếp nhận người mới với lý do vẫn đang xử lý hồ sơ của quá nhiều người tị nạn. Chỉ có Pháp và Đức là có hành động cụ thể. Pháp lập trại tạm cư sát biên giới Italia và dự kiến sẽ nhận vài trăm người. Đức cũng tuyên bố sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định người mới nhập cư trái phép vào Italia nhằm giảm tải cho nước này.
Mâu thuẫn về cách xử lý người tị nạn và người nhập cư đã gây khó khăn cho EU kể từ khi hơn 1 triệu người đến Địa Trung Hải trên những chiếc xuồng của những kẻ buôn người vào năm 2015. Tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên làm sứt mẻ sự đoàn kết của khối. Những bất đồng kéo dài đến thời điểm này khi Thủ tướng Italia Giorgia Meloni phải kêu gọi EU có thêm các bước đi chống lại người nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi, bao gồm cả nhiệm vụ trên biển để ngăn chặn những chuyến khởi hành.
Di cư là một vấn đề toàn châu Âu và đòi hỏi những phản ứng khác nhau từ mỗi quốc gia thành viên EU. Theo thời gian, lượng người di cư đến các quốc gia thành viên tuyến đầu đã bộc lộ những hạn chế của EU trong việc thống nhất cách tiếp cận chung và đã trở thành vấn đề ngày càng khó giải quyết ở Lục địa già.
Gửi phản hồi
In bài viết