Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 1/6.
Bình ổn giá xăng dầu, hạn chế nguy cơ lạm phát
Bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đánh giá, việc thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng các cơ chế, chính sách của chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tích cực, ổn định vĩ mô được giữ vững, tốc độ tăng trưởng quý I/2022 đạt 5,03%.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 1/6.
Phân tích những diễn biến bất lợi từ tình hình phức tạp, khó lường trên thế giới, trực tiếp là giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng cao, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng, đại biểu đề xuất một số giải pháp với Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó tập trung vào nhóm biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là kiềm chế, bình ổn giá xăng, dầu để hạn chế nguy cơ lạm phát.
Theo đó, đại biểu Ma Thị Thúy kiến nghị theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để có chính sách, giải pháp kịp thời, bảo đảm cân đối cung, cầu, bên cạnh việc điều hành bình ổn giá phù hợp, bảo đảm cung ứng các nguồn năng lượng trong nước và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng, dầu.
Giảm thuế đối với xăng, dầu
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nhận định, hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, làm tăng giá thành các loại sản phẩm, gây ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, chiều 1/6.
Đại biểu phân tích, vừa qua, căn cứ quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng này đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế suất này do Quốc hội quyết định.
Để bảo đảm linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, kiềm chế lạm phát, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022, tương tự như đối với thuế bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.
Theo đại biểu, việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, với giá dầu thô tăng, mà Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.
Tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, chiều 1/6.
Đóng góp kiến nghị liên quan bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng cao hiện nay thì việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả gấp 2-3 lần so thời điểm khai thác giá dầu thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước, không quá nhạy cảm với biến động của xăng dầu thế giới khi phải nhập khẩu, đồng thời nguồn thu từ xăng dầu cũng tăng lên.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đề xuất với Quốc hội có giải pháp tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh được những tác động giá đẩy từ xăng dầu sang các mặt hàng khác.
Gửi phản hồi
In bài viết