Kết quả giải ngân đạt thấp
Quyết tâm không để “vốn chờ dự án”, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, do công tác thực hiện có nhiều thủ tục, khâu thực hiện mất thời gian nên dẫn đến chậm so với kế hoạch đề ra.
Cầu Bạch Xa (Hàm Yên) đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
Tổng số vốn đầu tư công toàn tỉnh đến 15-6 là trên 7.100 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 trên 1.300 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh được phân bổ trên 5.600 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm 2023 Chính phủ giao trên 2.430 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), như vậy tổng số vốn giải ngân trong năm lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Tính đến 15-6, toàn tỉnh mới giải ngân vốn đầu tư công đạt 19,5% so với kế hoạch năm 2023, thấp hơn ước bình quân trung bình giải ngân vốn đầu tư công cả nước (cả nước ước đạt 22,2%). Trong đó, 20 đơn vị chủ đầu tư giải ngân dưới 17% kế hoạch năm, điển hình như Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang (chưa giải ngân), Công an tỉnh đạt 6,6%; Sở Y tế 10%, Sở Công Thương 3,3%, Sở Giao thông - Vận tải 3,6%, Sở Tài chính 7,9%...
Nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm là do nhiều dự án triển khai trên địa bàn còn chậm, có dự án sau 2 năm chuẩn bị vẫn chưa khởi công được; các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, chất lượng hồ sơ thiết kế chưa đạt yêu cầu, phải điều chỉnh nhiều lần.
Đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công bằng với bình quân chung của cả nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công. Xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ từng tháng, quý trước khi chuẩn bị đầu tư, đảm bảo dự án hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán đến 30-6 phải giải ngân 100% vốn được giao, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 đến 30-6 giải ngân tối thiểu 70% vốn được giao; hoàn thành 100% vốn ngân sách nhà nước kéo dài năm 2022 trước 31-12-2023.
Đường dẫn cầu Bum Kẹn (Hùng Lợi) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa cầu vào sử dụng tháng 7-2023.
Vướng ở đâu gỡ ở đó
Ngay từ đầu năm, tại hội nghị đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Với số vốn lớn, cần giải ngân, đi kèm với bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng từng đồng vốn công, đây là nhiệm vụ nặng nề. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; các địa phương chủ động tháo gỡ phát sinh, vướng mắc, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng…
Tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm chính là chìa khóa quan trọng để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn lớn, thách thức nhiều của năm 2023. Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo cho rằng, để thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong muôn vàn khó khăn như hiện nay đòi hỏi các chủ đầu tư phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc. Các chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc ở đâu phải báo cáo ngay để UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ kịp thời và có giải pháp chỉ đạo giải ngân theo hướng linh hoạt nhất, vừa đảm bảo nguồn vốn được giải ngân, vừa đảm bảo công trình đang thiếu vốn được cung cấp kịp thời.
Huyện Chiêm Hóa giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng 2023 đạt 37,3% kế hoạch năm, trong đó, nguồn ngân sách tỉnh giải ngân đạt trên 93% kế hoạch, đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, có được kết quả giải ngân đó là sự quyết liệt của huyện ủy, UBND huyện trong chỉ đạo, điều hành. Thứ nhất, huyện đặc biệt quan tâm tháo gỡ sớm những điểm “nghẽn” như công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc từng công trình, phận việc cụ thể; thứ hai kiên quyết điều chuyển vốn dự án, công trình chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đối với những những vấn đề vượt quá thẩm quyền UBND huyện kịp thời có văn bản đề nghị các sở, ngành, UBND tỉnh tháo gỡ để thực hiện.
Từ thực tế cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm “nghẽn” cần phải có quyết tâm cao để thực hiện. Trọng tâm là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình; có biện pháp kịp thời giải quyết khó khăn về vật liệu; đẩy nhanh tiến độ thi công; lựa chọn các nhà thầu có đủ tâm và lực thực hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết