“Bão” giá nguyên liệu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Doanh nghiệp lao đao
Xăng dầu tăng, đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và lớn nhất chính là các doanh nghiệp vận tải. Là một trong những doanh nghiệp vận tải nhỏ với với hơn 100 đầu xe, anh Nguyễn Văn Khánh, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải có trụ sở tại Thái Bình cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 30% chi phí của doanh nghiệp, do vậy giá xăng dầu tăng lên nhanh chóng thời gian qua đã khiến doanh nghiệp “lao đao”.
“Suốt hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi gần như đóng băng mọi hoạt động. Đến nay, khi dịch bệnh mới được kiểm soát, doanh nghiệp dần hoạt động bình thường trở lại thì giá xăng dầu lại tăng cao. Trong khi đó, chúng tôi không thể tăng giá quá cao vì dễ mất khách. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”, anh Nguyễn Văn Khánh nói.
Bên cạnh các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng đang chịu ảnh hưởng nặng bởi giá nguyên vật liệu tăng cao. Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, do ảnh hưởng của giá xăng dầu, giá đầu vào sản xuất đã tăng khoảng 40% so với tháng cùng kỳ năm trước. Hiện nay 80%-90% sản lượng trứng của công ty đang được bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn. Trong khi giá trứng trên thị trường tăng mạnh, người dân chuyển sang mua trứng trong các điểm bán hàng bình ổn khiến doanh nghiệp phải “gồng lỗ”.
“Sau đợt điều chỉnh tăng giá trứng trong chương trình bình ổn ngày 2/4, giá trứng gà bình ổn thị trường đang là 29.500 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục. Mức giá này hiện thấp hơn giá thành của doanh nghiệp và chênh lệch từ 3.000-6.000 đồng/chục so với giá bán ở thị trường”, ông Thiện nói.
Cũng chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu kéo theo tăng giá nguyên vật liệu, bà Bùi Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Basca Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng chia sẻ: Giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu liên tục tăng, trong khi đó, giá bán cho khách hàng thì đã ký từ trước đó. Do đó, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Đa dạng giải pháp ứng phó
Để ứng phó với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu, anh Nguyễn Văn Khánh cho biết, doanh nghiệp đang chủ động tiết giảm những chi phí, bao gồm cả việc cắt giảm cả nhân lực ở những vị trí không cần thiết để tiết giảm chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Nhà máy Gạch tuynel Điềm Thụy cho hay, muốn đảm bảo sản xuất, phải tiết kiệm và sử dụng tối đa nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, phải làm sao đảm bảo công suất đạt được hiệu quả tốt nhất. Doanh nghiệp cũng tính đến việc chạy máy theo ca, tăng cường chạy máy vào những giờ thấp điểm để đảm bảo giá thành thấp nhất.
Với mặt hàng thực phẩm, do trứng là mặt hàng bình ổn giá, Công ty Vĩnh Thành Đạt đang cố gắng để tiết giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên doanh nghiệp dự kiến sẽ phải tăng 10% giá bán để bù đắp chi phí đầu vào.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, cộng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ kéo theo giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu sẽ gia tăng. Để khắc phục tình trạng tăng giá nguyên liệu, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời gian tới, bên cạnh sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp kịp thời và linh hoạt, theo sát và thích ứng ngay với những diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế.
Trong đó, cần có những chính sách đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng, vì năng lượng là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có những biện pháp, chính sách đảm bảo nguồn cung năng lượng, phục vụ cho sản xuất và lưu thông, trong đó chú trọng và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, có chính sách điều tiết hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, điều quan trọng là cần xem xét, phân tích và dự báo chi tiết khả năng biến động về giá của từng loại nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu đầu vào thiết yếu với nền kinh tế để có cách ứng phó phù hợp.
Ở thời điểm hiện nay, các loại nguyên liệu hàng hóa đầu vào, đặc biệt là dầu mỏ đang chịu tác động không chỉ từ dịch Covid-19 mà còn từ biến động địa chính trị toàn cầu. Mặt khác, chu kỳ tăng giá chưa chắc đã dài bởi vì các nền kinh tế có khả năng tự điều chỉnh và thích ứng tốt trước các biến động. Chẳng hạn, nhiều quốc gia đang tích cực khôi phục sản xuất lương thực và nguyên vật liệu. Vì vậy, cung hàng hóa chưa chắc đã thiếu trong thời gian dài.
Do giá cả tăng có thể tạo áp lực lạm phát nên các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động theo dõi và điều tiết chính sách tài khóa-tiền tệ kịp thời có thể hỗ trợ kiểm soát được giá cả hàng hóa, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh vấn đề tăng giá nguyên vật liệu, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp hiện còn phải đối mặt với việc khan hiếm nguồn nguyên liệu cung ứng để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, do ảnh hưởng nguồn cung từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chậm lại và lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh, điều đó sẽ tạo ra sức ép tăng giá đối với các mặt hàng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của danh nghiệp và nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, Bộ Công thương cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đẩy mạnh nhập khẩu từ các thị trường đã có FTA, từ đó giảm giá thành, gỡ khó cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Gửi phản hồi
In bài viết