Đề xuất quy định mới về bình ổn giá

Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Cũng theo Bộ Tài chính, bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế - xã hội nhất định. Theo đó, bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, tại dự án Luật Giá (sửa đổi) đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá tại Điều 16 và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá bao gồm trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật tình trạng khẩn cấp.

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng quy định cơ chế để xử lý tình huống trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, cho phép Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh (Khoản 2 Điều 16).

Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách bao gồm: Bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; hiện nay chỉ tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục