Lực lượng chức năng nỗ lực dập tắt cháy rừng lan rộng ở biên giới Mỹ-Canada.
Theo Cơ quan ứng phó cháy rừng Columbia, đám cháy rừng được đặt tên là Eagle Buff, chỉ cách thị trấn Osoyoos 4 km. Diện tích rừng bị cháy ở bên phía Canada là 200 ha trong khi ở bên phía Mỹ là 2.000 ha.
Thị trấn Osoyoos và quận Okanagan-Similkameen đã ban bố cảnh báo cháy rừng và lo ngại nguy cơ tiềm tàng với sức khỏe và tính mạng của người dân. Yêu cầu sơ tán được áp dụng với khu vực ở phía bắc biên giới Canada-Mỹ đến giao lộ đường cao tốc 97 và số 3, cũng như ở phía tây và bắc dọc cao tốc số 3.
Trong khi đó, một đám cháy lớn cũng đang lan rộng ở vùng đông bắc tỉnh British Columbia khiến một lính cứu hỏa thiệt mạng trong khi nỗ lực dập lửa. Đây là ca tử vong thứ 2 vì nguyên nhân tương tự ở tỉnh này trong tháng 7 và là ca thứ 4 trong mùa cháy rừng ở Canada. Nạn nhân thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ dập đám cháy rừng Donnie Creek, hiện lan rộng 6.000 km2.
Các số liệu thống kê cho thấy, trên toàn tỉnh Bristish Columbia hiện có khoảng 363 đám cháy hoành hành, trong đó có 11 đám cháy mới phát hiện trong 24 giờ gần nhất, 191 đám cháy bị cho là vượt kiểm soát. Tổng cộng, có 1.517 đám cháy rừng xảy ra ở British Columbia trong năm nay, thiêu rụi khoảng 15.397km2 rừng.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, lượng khí thải các-bon đi-ô-xít từ các vụ cháy rừng đang hoành hành ở Canada đã vượt quá 1 tỷ tấn. Chủ nhiệm nghiên cứu, ông Liu Zhihua, nhà nghiên cứu từ Viện Sinh thái ứng dụng, Học viện Trung Quốc, cho biết, lượng khí nhà kính như các-bon đi-ô-xít, mê-tan và ni-tơ-ô-xít phát thải từ các vụ cháy rừng ở Canada có tác động đáng kể đến tình trạng ấm lên toàn cầu và ảnh hưởng môi trường toàn cầu.
Theo Trung tâm chữa cháy rừng liên ngành Canada (CIFFC), tính đến ngày 26/7, đã có 4.774 vụ cháy trên cả nước này với tổng diện tích cháy đã vượt quá 121.000 km2.
Gửi phản hồi
In bài viết