Nhiều người di cư bất hợp pháp từ bờ biển Tunisia sang châu Âu. (Ảnh TUNISIA’S DEAL)
Thỏa thuận này sẽ giúp EU và Tunisia thúc đẩy hợp tác nhằm ngăn chặn làn sóng di cư từ bờ biển Bắc Phi vào châu Âu và chống lại những kẻ buôn người, giúp EU giải bài toán về di cư bất hợp pháp.
Nằm ở khu vực phía bắc châu Phi, Tunisia là một trong những điểm trung chuyển phổ biến nhất để nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Quốc gia có một số phần của bờ biển cách đảo Lampedusa của Italia chưa đến 150 km, đã ghi nhận nhiều vụ vượt biển trái phép của người di cư, chủ yếu từ các quốc gia châu Phi cận Sahara, để đến Italia.
Hàng nghìn người di cư không có giấy tờ đã đổ xô đến thành phố duyên hải Sfax của Tunisia trong những tháng gần đây, nhằm tìm đường tới châu Âu trên những chiếc thuyền do những kẻ buôn người điều khiển. Điều này đẩy Tunisia vào một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), lượng người di cư đến các bờ biển của Italia tăng mạnh với hơn 60.000 người kể từ đầu năm, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 50% đến từ Tunisia.
Số người còn lại đến từ Libya và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù chính quyền Tunisia đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để giải quyết vấn đề, song số lượng người nhập cư trái phép tìm đường đến Italia qua bờ biển Tunisia dường như không giảm.
Tình hình bất ổn ở Tunisia là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng người di cư đến Italia từ khắp Địa Trung Hải, bất chấp đây là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới với hơn 20.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014.
Làn sóng người di cư đã trở thành gánh nặng đối với Tunisia. Thời gian qua, EU đã tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ Tunisia ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ khu vực Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải trên những hành trình nguy hiểm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) đã ca ngợi thỏa thuận mới giữa Tunisia và EU là bước đi hướng tới đầu tư cho sự thịnh vượng chung. Hơn bao giờ hết, EU đang cần một sự hợp tác hiệu quả trong vấn đề di cư và với công cụ hợp tác mới này, hai bên sẽ tiến hành nhiều nỗ lực chung hơn để đấu tranh chống các mạng lưới buôn người.
Gần đây, cùng với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Thủ tướng Italia và Thủ tướng Hà Lan đã đề xuất một gói đầu tư lớn và hứa hẹn những nỗ lực ngoại giao để giúp Tunisia có được khoản vay 1,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giúp nước này xoa dịu cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.
Viện trợ mà châu Âu công bố cho Tunisia bao gồm khoản vay lên tới 900 triệu euro, viện trợ ngân sách 150 triệu euro và gói 105 triệu euro để quản lý di cư cho năm 2023.
Ngoài ra, trong mùa hè này, EU có kế hoạch cung cấp thuyền, ra-đa di động, camera giám sát và phương tiện cho Tunisia để giúp quốc gia này tăng cường kiểm soát biên giới trên biển và trên đất liền cũng như tăng cường hợp tác giữa cảnh sát và tư pháp để chống các mạng lưới buôn người.
EU cũng tài trợ cho việc hồi hương tự nguyện của những người di cư từ châu Phi cận Sahara ra đi từ Tunisia về đất nước xuất xứ của họ. Theo EC, kể từ đầu năm đến nay, 407 trường hợp hồi hương đã được tài trợ theo cách này.
Tunisia tuyên bố sẽ không tiếp nhận người di cư, đồng thời kêu gọi cách tiếp cận tập thể để loại bỏ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến di cư trái phép. Châu Âu cho biết sẽ cùng với nhà chức trách châu Phi đấu tranh phòng chống các mạng lưới buôn người và ủng hộ việc hồi hương những người di cư.
Thỏa thuận hợp tác giữa EU và Tunisia là một mô hình mà EU muốn nhân rộng trong tương lai với các đối tác khác trong khu vực nhằm giải quyết vấn đề người di cư.
Gửi phản hồi
In bài viết