Lo ngại mùa bưởi "đắng"

- Đang vào chính vụ bưởi Diễn, tuy nhiên, giá bưởi năm nay chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với những năm trước khiến người trồng bưởi lo ngại về một mùa bưởi “đắng”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu sản phẩm bưởi tại
 Hội nghị khuyến nông @ quốc gia được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang hồi tháng 11.

Nếu như những năm trước vào thời điểm chính vụ bưởi Diễn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) tấp nập các xe tải lớn, nhỏ ở các tỉnh về thu mua bưởi thì năm nay gần như vắng bóng hoàn toàn, có chăng chỉ 1 số xe của một số đại lý nhỏ của người dân địa phương. Anh Trần Văn Huy, thôn Thái Ninh rầu rĩ cho biết, gia đình anh có 2.000 gốc bưởi, như mọi năm vào tháng 11, đầu mối đã đến đặt tiền giữ hàng, nhưng năm nay đến thời điểm này bưởi đã chín vàng mà không có khách nào vào hỏi.

Lo lắng bưởi chín quá sẽ giảm chất lượng, hại cây và ảnh hưởng đến vụ sau, anh Huy thuê người hái và bán buôn cho các đại lý, tuy nhiên giá bưởi quá rẻ. Bưởi Diễn loại A giá hái đóng bao sẵn chở đến đại lý mới chỉ được từ 5 - 6 nghìn đồng/quả; loại B chỉ còn 2,7 - 3 nghìn đồng/quả, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước. Theo anh Huy, với giá như hiện nay, trừ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người trồng bưởi như anh chỉ biết lấy công làm lãi.

Người trồng bưởi xã Xuân Vân, Thắng Quân, Tứ Quận (Yên Sơn); Thái Sơn, Đức Ninh, Thái Hòa (Hàm Yên)... cũng đang đứng ngồi không yên khi bưởi đã đến thời điểm thu hoạch mà thị trường tiêu thụ chậm như hiện nay sẽ khó có thể giữ được chất lượng. Ông Đặng Tiến Dũng, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho rằng, bưởi rẻ đã đành, sức tiêu thụ chậm, rất khó để bảo quản.

Theo các đại lý thu mua bưởi, những năm trước bưởi đào đường, bưởi cát quế, bưởi Diễn được tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa... thì năm nay rất chậm, thậm chí một số thị trường gần như đóng băng hoàn toàn. Ông Tống Duy Hưng, đại lý thu mua bưởi tại xã Xuân Vân (Yên Sơn) chuyên cung ứng bưởi về chợ đầu mối các tỉnh cho biết, 2 ngày ông mới đánh được 1 chuyến hàng về Hà Nội và Hải Dương, trong khi thời điểm này năm ngoái mỗi ngày từ 3 - 5 chuyến, mỗi chuyến khoảng 3.000 - 5.000 quả bưởi.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn Tạ Văn Tình lo ngại, vụ bưởi 2019 - 2020 người dân huyện thu về trên 830 tỷ đồng, vụ bưởi này với giá như hiện nay ước tính sẽ thâm hụt khoảng khoảng 1/3 giá trị.

Vườn bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn)
vẫn chưa có thương lái đến thu mua.

Nhận định của các nhà quản lý ngành nông nghiệp và thương lái thu mua bưởi, nguyên nhân bưởi rớt giá là do phát triển trồng bưởi ồ ạt trong những năm gần đây không chỉ tại Tuyên Quang mà cả các tỉnh trong khu vực. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi thuộc Viện rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc có khoảng 96.000 ha bưởi đứng thứ 2 toàn quốc. Như vậy có thể khẳng định, tỉnh nào người dân cũng trồng bưởi, thị trường đã bão hòa nếu không muốn nói là dư thừa. Riêng Tuyên Quang hiện có trên 4.800 ha bưởi, tăng gấp 3 lần so với năm 2015, trong đó mới chỉ có 1.800 ha cho thu hoạch, như vậy một diện tích lớn nữa sẽ cho thu hoạch trong một vài năm nữa, nguy cơ cung vượt cầu là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Giá giảm, thị trường tiêu thụ chậm cũng do 1 phần tác động xấu của dịch bệnh Covid-19, bưởi không xuất khẩu được sang Trung Quốc, Lào và Campuchia. Chưa kể, năm nay nhuận 2 tháng tư nên bưởi chín sớm trước Tết Nguyên đán hơn 1 tháng nên nhu cầu tiêu thụ bưởi chưa cao. 

Trước thực trạng thị trường tiêu thụ bưởi chậm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kết nối bạn hàng để tiêu thụ bưởi. Ngành cũng khuyến cáo bà con, bưởi chín đến đâu bà con thu hoạch hết đến đó, phân loại quả để bảo quản, tuyệt đối không để bưởi chín trên cây gây hư hại cây ảnh hưởng đến vụ sau và làm giảm chất lượng bưởi.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, cán bộ khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, bưởi dễ bảo quản và có khả năng bảo quản trong vòng 30 -45 ngày, tuy nhiên để giữ được chất lượng bưởi, bà con phải thu hái đúng thời vụ, môi trường bảo quản thoáng mát, có thể làm giàn, giá để kê, treo bưởi, tránh nấm, mốc xâm nhập.

Phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng, nhiều vùng bưởi đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, đời sống nông dân được cải thiện rất nhiều. Vấn đề hiện nay cần phải giải quyết chính là bài toán quy hoạch và thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn. Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Sở đang làm việc với các huyện, thành phố yêu cầu các địa phương rà soát chính xác diện tích bưởi; kiểm soát chặt chẽ không để người dân trồng tự phát. Sở cũng sẽ hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi sản xuất sang hướng hữu cơ hoặc VietGAP để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm bưởi.

  Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục