Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh

Tính đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Những con số này phần nào "hé lộ" bức tranh lợi nhuận với những mảng sáng-tối đan xen, do có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng trong hệ thống.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng SeABank.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB) đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2024. Theo đó, trong quý III/2024, Techcombank tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội với các chỉ số được duy trì trong nhóm các ngân hàng hiệu quả dẫn đầu thị trường. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của ngân hàng đạt tới 22.800 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Techcombank tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 40,5%, nhờ số dư CASA đạt mức cao kỷ lục 200.000 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành, đạt 2,6.

Đáng chú ý, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank ghi nhận tăng 17,1%, lên mức 8.300 tỷ đồng, trong đó mức tăng khả quan từ phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 2.541 tỷ đồng, tăng 110,6%. "Mức độ tăng trưởng này phản ánh sự khác biệt trong sản phẩm "may đo" cho nhu cầu khách hàng của ngân hàng khi thị trường chứng kiến niềm tin của người tiêu dùng dần quay trở lại, mặc dù còn ở mức độ khá thấp", đại diện lãnh đạo Techcombank đánh giá.

Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) cũng công bố mức lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đạt 4.508 tỷ đồng, tăng 1.352 tỷ đồng, tương đương 43% so với cùng kỳ năm 2023. Đến hết ngày 30/9, số dư CASA của SeABank đạt 20.677 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2023 và chiếm 13,46% huy động từ tiền gửi của khách hàng.

Đáng chú ý, dù lãi suất cho vay bình quân giảm và mới chỉ có dấu hiệu tăng từ cuối tháng 7/2024, song tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của SeABank vẫn ổn định và tăng nhẹ lên 3,94%, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, ngân hàng này đang hoàn tất thủ tục theo quy định để chính thức hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng sau khi phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu,...

Bên cạnh những ngân hàng lớn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch, một số ngân hàng nhỏ vẫn gặp khó trong thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 200 tỷ đồng, giảm gần 19,5% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện xấp xỉ 55% kế hoạch 2024 (cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của SaigonBank đạt hơn 248 tỷ đồng).

Trước đó, SaigonBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 166 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của SaigonBank trong quý III/2024 ước đạt 34 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận trong 9 tháng của Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) cũng chỉ ở mức hơn 32 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng 27,4% so với cùng kỳ, trong khi mảng dịch vụ tăng trưởng 31%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng trưởng 85%. Nhưng bên cạnh đó, ngân hàng đã tăng 35% trích lập dự phòng so với cùng kỳ năm trước.

Hoặc Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank-PGB) cũng công bố lợi nhuận trước thuế đạt 77 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023; tuy nhiên, lũy kế 9 tháng giảm 4,4% so với cùng kỳ, đạt 344 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng chính của lợi nhuận trong quý III của PGBank đến từ thu nhập lãi thuần, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ và đạt 416 tỷ đồng,...

Như vậy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Trước đó, Công ty Chứng khoán MBS đã đưa dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt mức tăng 19,5% so với cùng kỳ trong quý III/2024 hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi. Riêng lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ trong khi quý II/2024 lợi nhuận tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, lợi nhuận ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 có tăng trưởng nhưng khó có thể kỳ vọng tăng đột biến. Bên cạnh đó, lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh với những ngân hàng thuộc tốp đầu, những ngân hàng nhỏ hơn phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu.

Trong khi đó, kết quả điều tra quý IV/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra cho thấy, từ 71,9-76,3% số tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý IV/2024 và cả năm 2024. Tại kỳ điều tra này, tỷ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023 là 79,6% (điều chỉnh giảm so với tỷ lệ kỳ vọng 86,2% tổ chức tín dụng có cùng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 15,9% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 11% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận. VDSC ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm 2024 đạt 18% so cùng kỳ, dẫn dắt bởi thu nhập lãi tăng trưởng 19% do chi phí vốn rẻ hơn.

"Quý III/2023 là thời điểm NIM tạo đáy, tín dụng tăng chậm do cả cung lẫn cầu đều có nhiều yếu tố giới hạn, chi phí tín dụng tạo đỉnh. Sang đến quý III/2024, dự báo tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi ước đạt 10,5% so với đầu năm hay tăng 19,4% so với cùng kỳ và 2,3% so với quý liền trước", các chuyên gia của VDSC phân tích thêm.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục