Đáng buồn là người bị xử lý vi phạm lại là người có hiểu biết, có chức vụ, người có trách nhiệm nêu gương. Cho thấy pháp luật lúc nào cũng nghiêm minh. Cho thấy sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng. Cho thấy không ai có quyền được đứng trên luật pháp hay vô trách nhiệm với cộng đồng.
Ngày còn bé, mỗi khi trời sắp mưa, tôi hay được bà nội chỉ cho xem cách những đàn kiến di chuyển. Kiến đầu đàn kéo theo cả đoàn kiến đi rất thứ tự, thẳng hàng. Bà nội bảo, cần phải học tính kỷ luật của loài kiến. Không con nào đi chệch lối do kiến đầu đàn đang dẫn. Kỷ luật sẽ tạo thành sức mạnh của cả cộng đồng kiến.
Mỗi khi kết thúc cuộc ngắm nhìn đàn kiến di chuyển, bà nội tôi thường kèm theo một câu đại ý phải nghe lời bố mẹ, tuân thủ nền nếp gia đình như “buổi trưa phải lên giường ngủ, cấm chạy lung tung bêu nắng”, “tan học phải về nhà ngay, cấm lêu têu ngoài bờ sông”, hoặc “vào nhà thấy người lớn đang có khách phải chào hỏi lễ phép, không được ngậm hột thị mà chạy tọt qua”…
Trò chơi tưởng như rất bình thường ấy khiến tôi sau này càng ngộ ra nhiều điều. Nhất là khi học lý luận về sự tự do. Rằng tự do cần đặt trong một khuôn khổ, không thể vì tự do của người này mà làm mất tự do của người khác. Không thể mượn danh tự do để muốn làm gì thì làm. Vậy nên mới cần đến pháp luật, đến nhà nước pháp quyền.
Thế nên tự do kiểu anh có tiền anh cứ đi du lịch trong khi đang có khuyến cáo ở nhà là kiểu tự do đặt lợi riêng lên trên lợi chung của cộng đồng. Hoặc tự do kiểu cố thủ trong nhà không nghe điện thoại, không mở cửa trong khi xe cứu thương đã quay ngang trước cổng để đón đi cách ly là kiểu tự do vô lối, đáng bị lên án. Lại có người biết chắc mình đang ở vùng dịch nhưng lợi dụng quyền tự do đi lại để về quê, lại trốn khai báo hoặc khai báo y tế không trung thực là kiểu tự do vô trách nhiệm, vô lương tâm với cộng đồng, với những người đang ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch.
Nhiều ngày nay chứng kiến hình ảnh mệt lả của những nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trong thời tiết 35-40 độ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang; chứng kiến nhân viên trực ngày đêm mưa nắng tại các chốt kiểm dịch hẳn ai nấy đều lay động tận tâm can.
Đêm qua tôi đã đọc những dòng nhật ký viết vội của các thầy thuốc từ tâm dịch Bắc Giang. Thấy trong đó là sự tận tụy, hy sinh không thể nói hết bằng lời. Thấy trong đó cả những tâm tư nơi tuyến đầu về việc làm sao để đẩy nhanh hơn các xét nghiệm, khoanh vùng và điều trị bệnh trong chiến thuật mới tấn công covid, thay vì phòng ngự.
Thế mà ở không ít nơi đang tạm được coi là an toàn, vẫn có những người chủ quan lơ là thiếu ý thức. Vẫn có những lơi lỏng trước những vi phạm các quy định phòng dịch. Đó chính là sự vô kỷ luật, bất nhẫn trước những cố gắng của tuyến đầu. Đó chính là sự phá hoại an toàn của cộng đồng.
Warren Edward Buffett - doanh nhân thuộc top 100 người nhiều ảnh hưởng nhất thế giới đã cho rằng “Ta không cần phải thông minh hơn những người khác. Ta phải có kỷ luật hơn những người khác” để khẳng định tầm quan trọng của kỷ luật.
Nhà tư tưởng, triết gia vĩ đại Jim Rohn cũng đã đúc kết “Chúng ta đều phải chịu đựng một trong hai nỗi đau: sự đau đớn của kỷ luật hay sự đau đớn của nỗi ân hận”. Và khẳng định “Kỷ luật là cầu nối giữa tư duy và thành tựu. Kỷ luật là nền tảng để dựng xây tất cả thành công. Thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ dẫn tới thất bại”.
Trong sự lây lan khủng khiếp của những biến thể mới trong đại dịch Covid 19, những đúc kết về kỷ luật càng đúng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một sơ sảy nhỏ, một hành vi đội mũ tự do vô kỷ luật đều sẽ khiến đại dịch thêm lây lan chóng mặt và trở thành thảm họa như đã thấy ở nhiều nước trên thế giới hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết