Hình như đã trở thành thói quen nên nỗi sợ hãi ngày càng giảm đi cho dù dịch bệnh căng thẳng hơn rất nhiều so với những mùa dịch trước. Mùa dịch Covid-19 đầu tiên năm 2020, nỗi sợ hãi tột cùng và trở nên thái quá khi người dân đua nhau mua lương thực, thực phẩm dự trữ dẫn đến giá cả tăng vọt, thậm chí khẩu trang cũng là mặt hàng khan hiếm và đắt đỏ. Dần dần, nhận thức của người dân ngày càng đầy đủ hơn về dịch bệnh này, trạng thái "bình thường mới" được thiết lập. Tất cả cùng thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế.
Hình như đã trờ thành thói quen cho dù thông tin về diễn biến dịch Covid-19, các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến các tỉnh có dịch hiện nay được cập nhật liên tục trên các phương tiện đại chúng, được chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhưng một bộ phận người dân vẫn tụ tập nơi đông người, vẫn không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường.
Nguy hiểm hơn, cách đây 3 ngày, Bộ Y tế đã công bố một biến chủng virus mới, có tốc độ lây nhanh, phát tán mạnh trong không khí, đang được ghi nhận ở Việt Nam. Theo các chuyên gia y tế cho biết, giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng thường thấy là Ấn Độ và Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có đặc tính giữa hai biến chủng trên và Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới. Và cho đến thời điểm này, nước ta đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của dịch Covid-19.
Chủ quan, lơ là, không nắm chắc tình hình dịch bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Ấn Độ là nước điển hình vì sự chủ quan của người dân làm lây lan dịch bệnh với số người chết lên mức báo động, trở thành nỗi sợ hãi, hoảng loạn trong cộng đồng.
Người dân Ấn Độ không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo, vẫn tụ tập đông người. Cho đến khi dịch Covid-19 xảy ra nghiêm trọng mà chiến dịch tiêm vác xin phòng dịch cũng chưa được người dân hợp tác. Một vụ việc gây chú ý đã xảy ra tại làng Sisaunda ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ khi nhiều người bỏ chạy tán loạn quanh làng và cuối cùng nhảy xuống sông Sarayu vì không muốn tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Các nhân viên y tế tới Sisaunda để tiêm vắc xin cho người dân và cố gắng thuyết phục mọi người thực hiện việc tiêm chủng, người dân trong làng từ chối không muốn tiêm chủng. Trong khi khoảng 200 người nhảy xuống sông Sarayu, một số người vẫn đứng trên bờ và dọa sẽ nhảy xuống nếu các nhân viên y tế ép họ phải tiêm.
Ở Việt Nam, dịch Covid-19 lần thứ tư đang bùng phát thì nguyên nhân chính, theo đánh giá của Chính phủ, do chủ quan là chính. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì ung dung, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng khi có dịch thì lúng túng, bị động, hoang mang, lo sợ, không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp. Một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, biến chủng của virus đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện công tác phòng bệnh ngay từ lúc chưa có dịch và bảo đảm phương châm “5K + vắc xin”. Tuyên Quang hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tỉnh phát hiện 1 ca dương tính trên địa bàn và tất cả các trường hợp đi từ vùng dịch, liên quan đến người từ vùng dịch đều được khoanh vùng, truy vết, cách ly... Không vì kết quả đó mà vẫn còn có nhiều người dân chủ quan, coi dịch bệnh ở đâu đó xa lắm, không ảnh hưởng đến mình. Nhất là khi chủng virus này liên tục biến thể, người mắc bệnh không có biểu hiện ra bên ngoài mà vẫn âm thầm lây lan vào cộng đồng. Chúng ta sống chung với dịch bệnh không có nghĩa coi dịch bệnh này trở thành "thói quen" sống chung mà không phòng ngừa lây nhiễm.
Hãy nghĩ về những người đang ở nơi tuyến đầu chống dịch. Họ đang ngày đêm vất vả, lăn xả vào vùng tâm dịch để dập dịch, cứu người. Nhiều địa phương đã cử đoàn bác sĩ chi viện cho tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh- nơi có đông bệnh nhân dương tính với Covid-19. Sáng mai, 22 bác sĩ Tuyên Quang sẽ lên đường đến tâm dịch Bắc Giang làm nhiệm vụ. Tự bản thân mỗi người chủ động phòng dịch cũng là góp phần đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, để nỗi vất vả của những người trên tuyến đầu chống dịch được vơi đi.
Miễn dịch cộng đồng dịch Covid-19 là mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra trong năm 2021 của Chính phủ. Và để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần tiêm vắc xin cho 60 - 70% dân số. Không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, việc huy động mọi nguồn lực hợp pháp mua vắc xin lúc này là cần thiết. Các doanh nghiệp, tập đoàn đã hỗ trợ, ủng hộ mua vắc xin; các địa phương cũng đang chủ động nguồn vắc xin phòng dịch cho nhân dân.
Không thể chậm trễ, thực hiện nghiêm phương châm "5K + vắc xin" chính là vũ khí "chống giặc" Covid-19 ngay lúc này.
Gửi phản hồi
In bài viết