Không chỉ học Tiếng Anh bằng những câu thơ lục bát mà giờ Tiếng Anh của cô giáo Hoàng Thị Mến, trường THCS Phù Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) còn vui nhộn bởi những công cụ trực quan sinh động. "Để các em nhớ và ghim được vào đầu thì học đến từ mới nào tôi mang cả đồ vật từ nhà đi. Có khi cây cối, ấm, chén bày đầy cả bàn giáo viên miễn sao là các em hiểu và nhớ bài là làm việc gì tôi cũng sẵn sàng". Cô Mến vui vẻ kể về hành trình những ngày đầu đưa tiếng Anh lên núi của mình như thế!
Dạy ngôn ngữ thứ 3…
Người ta vẫn bảo: Khó... như dạy tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và trong hành trình 23 năm gắn bó với học trò miền núi cô giáo Mến luôn bền bỉ, kiên trì "gieo chữ".
Năm 2001, cô sinh viên Hoàng Thị Mến từ Thái Bình lên Tuyên Quang nhận công tác. Nhớ về những ngày đầu mới về trường dạy, do có sự khác nhau về phong tục, tập quán và sự bất đồng về ngôn ngữ khiến cô giáo trẻ loay hoay lắm! Ngày đó, đa số các em học sinh dân tộc Tày, Dao có vốn từ vựng và ngữ pháp chưa tốt. Do tiếng giao tiếp của học sinh vẫn là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, nên khi tiếp xúc với ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh thì việc đọc, hiểu các em còn gặp nhiều lúng túng.
Cô giáo Hoàng Thị Mến, trường THCS Phù Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên).
Dần dà chị hiểu rằng, để trò hiểu mình truyền đạt những gì thì mình cũng cần phải thấu hiểu trò trước đã. Cô giáo Mến chia sẻ "Mình phải hòa nhập cùng các con. Học vài câu nói của người Tày: "Kin lẩu, kin nặm", "chào noọng"... để chuyện trò vui vẻ, tạo sự gần gũi với các em trước! Rồi sau đó, lại có phương pháp riêng của mình".
Đó là dùng những gì gần gũi thân thuộc nhất để các em nhớ được từ mới. Ví như việc học về chủ đề cây cỏ thì cô mang bao nhiêu loại cây vào lớp, học về chủ đề nấu nướng, bếp núc cô cũng chẳng ngần ngại bê những dụng cụ nấu ăn bày biện lên bàn giáo viên. Học Tiếng Anh là học bằng mọi giác quan, mắt nhìn, tai lắng nghe để trò ngấm dần.
Ngày đó, không có máy chiếu, ti vi, cũng chẳng được kết nối trực tuyến gần xa, giờ học tiếng Anh ở đây giản đơn nhưng rất sôi nổi, ấn tượng. Bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi của học trò miền núi, cô giáo Mến đã cất công chuẩn bị cả những dụng cụ mô phỏng, tranh ảnh minh họa hay bất cứ con vật, loại cây nào có để trở thành ví dụ minh họa cho bài giảng. Chính phương pháp trực quan sinh động, thực tế đó khiến những đứa trẻ người Tày, người Dao nơi đây thấy gần gũi và nhanh thuộc bài hơn. Hàng năm, 100% học sinh học bộ môn tiếng Anh do cô giáo Mến giảng dạy đều hoàn thành tốt môn học. Lớp lớp thế hệ học trò cứ thế lớn khôn, trưởng thành…
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình "gõ đầu trẻ” cô vui vẻ nói rằng: "Đó là ngày 20-11 đầu tiên khi mình về dạy học, có một em học sinh người Tày đứng dậy nói lời chúc bằng Tiếng Anh lưu loát. Đó là món quà ý nghĩa nhất đối với mình!".
Sống trọn với đam mê…
Kể về sự bỡ ngỡ của cô giáo miền xuôi lên núi dạy học, cô Mến chân thành cho biết: "Mình vốn yêu nghề giáo từ bé, ra trường được bén duyên công tác với mảnh đất Tuyên Quang, được dạy học, sống trọn với đam mê là mình hạnh phúc lắm! Mình tự hào lắm khi được cống hiến hết mình ở ngôi trường này. Mình không nề hà gì, ngày đó, dù có khó khăn đấy nhưng đó là khó khăn chung rồi nên mình càng phải cố gắng, nỗ lực hơn thôi".
Cô giáo Hoàng Thị Mến, trường THCS Phù Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) nhiệt huyết truyền đạt kiến thức cho học trò.
Chính bởi phẩm chất của một người giáo viên luôn nhiệt huyết hết mình với công việc thế nên cô giáo Mến luôn được học trò, đồng nghiệp quý mến, kính trọng.
Cô giáo Mến còn tạo thêm nhiều hứng thú, động lực cho học trò bằng việc động viên, khuyến khích các em tham gia trò chơi học tập để thực hành kiến thức vừa học. Cô vui vẻ nói rằng, học trò luôn phải là trung tâm. Các em vui vẻ, hứng khởi học đó mới là thành công của mình được. Đặc biệt, cô giáo còn nhiệt tình bồi dưỡng ngoài giờ miễn phí cho các em học sinh có năng khiếu. Một điều không phải ai cũng có thể làm được.
Những năm qua, cơ sở vật chất nhà trường được quan tâm đầu tư hơn. Lớp học tiếng Anh có thêm máy chiếu, đài radio... mọi thứ thuận tiện hơn. Cô Mến hiện nay là Tổ phó Tổ Ban chung, phụ trách môn tiếng Anh. Với vai trò của mình, cô cùng các giáo viên tiếng Anh trong trường thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh thu hút các học sinh có chung niềm đam mê có môi trường rèn luyện. Với phương châm "Tự tạo môi trường nói tiếng Anh trong nhà trường", hàng tuần các thành viên Câu lạc bộ được sinh hoạt, diễn kịch, tham gia các trò chơi, thi "đuổi hình bắt chữ" bằng tiếng Anh…Ngoài ra, Câu lạc bộ thường xuyên giao lưu với các câu lạc bộ tiếng Anh trường bạn để học hỏi, rèn luyện kỹ năng. Học trò cứ như thế học tiếng Anh một cách chủ động, thoải mái nên ngày càng nhiều em say mê hứng thú với bộ môn này.
Nhiều năm qua, trường THCS Phù Lưu liên tục có nhiều học sinh đoạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh. Thầy giáo Ninh Thái Sơn, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phù Lưu chia sẻ, cô giáo Mến luôn hết mình tận tâm với các học trò, mong muốn truyền đạt mọi kiến thức cho các em. Có lần dù bị tai nạn nặng bị vỡ xương sống lưng, nghỉ ở nhà được gần 2 tháng, cô giáo Mến xin được đến ở tại khu tập thể nhà trường để được đi dạy, vì cảm thấy nhớ nghề".
Em Hà Thùy Dương, học trò của cô giáo Mến xúc động cho biết: "Em còn nhớ mãi, ngày đó cô giáo Mến còn bị đau do tai nạn, đi lại vất vả nhưng cô vẫn cố gắng đến lớp luôn quan tâm, nhiệt tình giảng bài cho em và các bạn. Không phụ sự dạy bảo của cô, kết quả, em đoạt giải giải Ba môn tiếng Anh cấp tỉnh, giải Khuyến khích tài năng Tiếng Anh cấp tỉnh. Em luôn biết ơn các cô giáo trong trường, đặc biệt là cô giáo Mến".
Với thành tích và sự nỗ lực đó, năm 2022 cô giáo Mến được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm học 2021 - 2022. Với cô, đó là niềm vui và trách nhiệm để cô giáo hết mình với hành trình mang ngoại ngữ lên miền núi, dẫn lối các em mở rộng cánh cửa giao lưu với thế giới đầy tươi đẹp phía trước.
Gửi phản hồi
In bài viết