Nấm quý tộc
Anh Cường bảo, sở dĩ gọi nấm linh chi là nấm quý tộc, là vì công dụng cũng như giá trị kinh tế của nó. Theo sách Thần nông bản thảo, nấm linh chi được xếp vào loại siêu thượng phẩm hơn cả nhân sâm. Còn trong Bản thảo cương mục, nấm linh chi được coi là loại thuốc quý, những tên khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung... có tác dụng bảo vệ gan, giải độc, cường tâm, bổ óc, tiêu đờm, lợi niệu, bổ dạ dày. Đặc biệt, gần đây các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản phát hiện nấm linh chi còn có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa làm tăng tuổi thọ.
Anh Bùi Khánh Cường bên những phôi nấm linh chi chuẩn bị cho thu hoạch.
Gian nhà trồng nấm của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tuấn Cường nằm biệt lập ở thôn Phúc Tâm. Cả gian nhà rộng chừng 60 - 70 m2, gọn gàng những phôi trồng nấm sò, nấm rơm. Riêng khu vực trồng nấm linh chi được sắp xếp riêng, được phân loại thời gian riêng biệt.
Bùi Khánh Cường đến với nghề trồng nấm từ khá sớm - khoảng 15 năm trước - mà theo lý giải của anh là "đói quá phải tự tìm nghề mà làm thôi". Thời gian đầu, anh tập trung trồng nấm rơm, nấm sò. "Thầy giáo" của anh là video, tài liệu từ Internet, rồi các lớp tập huấn về trồng nấm do địa phương, Hội Nông dân tổ chức.
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như rơm rạ, mùn cưa, bã mía, gỗ mục..., toàn bộ quy trình sản xuất nấm được anh Cường xây dựng theo quy trình chuẩn "Sản xuất nấm an toàn sinh học", vừa bảo vệ được môi trường lại vừa giảm chi phí đầu vào. Đầu ra cũng ổn định là các chợ đầu mối, quán ăn, nhà hàng trên địa bàn, nhưng vì thời gian bảo quản các sản phẩm nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ ngắn, nếu thu hái mà không bán được ngay thì nguy cơ đổ bỏ là rất lớn, trong đầu anh Cường luôn nung nấu việc phải chuyển hướng sang các sản phẩm khác.
Anh Cường nhận chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi từ tổ chức CWS.
Tìm hiểu thị trường, biết đến loại nấm linh chi vừa có dược tính cao, giá trị kinh tế vượt trội, lại vừa có thời gian bảo quản kéo dài, năm 2022, anh Cường bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng nấm linh chi bằng mùn cưa. Cái khó của nguyên liệu này là mùn cưa không được khô quá, cũng không được tươi quá. Vì tươi quá hay khô quá đều ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của nấm. Vì chưa làm chủ công nghệ, không đếm được bao nhiêu lần đổ đi làm lại, vì phôi không cho ra sản phẩm. Số tiền đổ đi theo từng phôi nấm không dừng lại ở con số vài triệu đồng nữa, mà lên đến vài chục triệu đồng, người nhà khuyên anh nên quay về với các loại nấm truyền thống, nhưng anh Cường bảo, mình không nản lòng, vì không có ai đi đến thành công mà dễ dàng cả.
Làm chủ kỹ thuật
Anh Cường cười chia sẻ, gọi nấm linh chi là nấm quý tộc, ngoài giá trị dược liệu, thì còn bởi tính đỏng đảnh của nó khi khá kén nguyên liệu, thời tiết cấy nấm. Nguyên liệu trồng không được quá khô, cũng không được quá tươi. Ngày cấy phôi không được quá nắng, cũng không được cấy vào ngày mưa gió vì bào tử nấm mốc phát tán nhiều... Nguyên liệu làm phôi phải vừa đủ tuổi, thời tiết khi cấy phôi nấm cũng "phải thật đẹp và... yêu kiều", có như thế mới đảm bảo một mẻ nấm thành công.
Đầu năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa phối hợp với tổ chức CWS chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi cho Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tuấn Cường. Trong đó, nguyên liệu trồng nấm được thay thế từ mùn cưa bằng thân cây keo.
Hơn 1.000 phôi nấm linh chi trồng bằng thân cây keo sinh trưởng, phát triển tốt.
Quá trình để có phôi nấm bằng cây keo cũng khá phức tạp. Cây được chọn phải là cây keo 3 - 5 năm tuổi. Sau khi cắt khúc dài chừng 12 phân, phôi được ngâm nước vôi rồi cho vào lò hấp thanh trùng trong vòng 15 tiếng để loại bỏ hết tạp chất và vi khuẩn. Sau khi hấp thanh trùng, bịch nấm được đưa vào phòng tiến hành làm nguội và cấy giống, sau đó tiến hành ươm sợi nấm trong thời gian từ 20 đến 30 ngày tùy theo điều kiện thời tiết thực tế.
Những ngày đầu chuyển giao công nghệ, anh Cường gần như ăn ngủ ở nhà trồng nấm. Đo nhiệt độ, dự báo thời tiết, những phôi nào không thấy tai nấm lách ra, anh lại phải rạch túi để nấm vươn mình... "Vất vả hơn chăm vợ đẻ, nhưng thành quả thì xứng đáng!" - anh hài hước chia sẻ. Ngày những tai nấm đầu tiên ra đều, màu đẹp, anh Cường như vỡ òa. Cứ thế, những cánh nấm lớn dần, ban đầu chỉ như chiếc vỏ sò, rồi lớn dần lên, nở xòe như những bông hoa. Theo anh Cường, từ khi được chuyển giao kỹ thuật trồng nấm linh chi bằng thân cây keo, tỷ lệ sống của nấm linh chi đạt gần 100%.
Giá bán mỗi kg nấm linh chi, tùy loại là từ 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng, hiện đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trà, dược liệu trong và ngoài tỉnh đặt hàng hết sản phẩm.
Để nâng cao năng suất và giảm sức lao động cho người trồng nấm, Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tuấn Cường đã đầu tư máy móc để hỗ trợ trong các công đoạn: cắt khúc gỗ keo, nghiền mùn gỗ, máy đóng phôi, đóng bịch nấm…
Hiện anh Cường đang duy trì sản xuất 3 sản phẩm là nấm sò, nấm rơm và nấm linh chi. Năm 2023 là năm thành công với Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tuấn Cường, khi sản phẩm nấm sò đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Giám đốc Hợp tác xã Bùi Khánh Cường khoe, hiện anh đang phát triển thêm sản phẩm mới là Nấm linh chi bon-sai cho thị trường Tết dịp cuối năm. Theo đó, những phôi nấm có cánh đều, đẹp tượng trưng cho sự sum xuê, tài lộc dồi dào ngày Tết sẽ được tung ra phục vụ người tiêu dùng vào cuối năm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết