Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022: "Lá chắn thép" bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân

Trong những năm qua, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt. Dân chủ, nhân quyền là chiêu bài mà chúng vẫn dùng để lợi dụng kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng thực tế những gì mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm là minh chứng rõ nét nhất, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở nước ta. Đặc biệt gần đây, khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 do Quốc hội ban hành đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; là cơ sở pháp lý quan trọng để quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện tốt hơn tại cơ sở; góp phần đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; được ví như “lá chắn thép” bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Nhận diện những luận điệu phủ nhận, hạ thấp giá trị và xuyên tạc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành rất cao (443 đại biểu tán thành (88,96% tổng số đại biểu). Đạo luật là cơ sở pháp lý rất quan trọng để thể chế hóa quan điểm của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ; dân chủ xã hội chủ nghĩa; thực hiện dân chủ ở cơ sở… trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, ngay sau khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội Việt Nam thông qua, như thường lệ, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị liền “bổn cũ soạn lại”, tìm cách phủ nhận, hạ thấp giá trị và xuyên tạc. Chúng ra sức xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật bằng những lập luận mang tính áp đặt, ngụy biện, thậm chí là “bới móc”, “mổ xẻ”, “thêm mắm dặm muối” và “sáng tạo” ra những dẫn chứng để dẫn dụ người đọc vào một “ma trận thông tin” với mục đích duy nhất mà chúng mong muốn đạt được là nhằm phủ nhận quan điểm đúng đắn của Đảng, chính sách tốt đẹp của Nhà nước ta trong bảo đảm các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nền dân chủ nghĩa xã hội.

Trình diễn cồng chiêng của dân tộc Jrai trong Lễ hội ăn trâu. Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Nhiều trang báo, trang thông tin từ nước ngoài như BBC Tiếng Việt, RFA…dẫn một số bài viết “lập lờ đánh lận con đen”; “đánh tráo khái niệm”; để nhằm “thao túng tâm lý” người đọc và nhằm làm cho mọi người tin rằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Việt Nam chỉ là “bình mới, rượu cũ” và chỉ mang tính chỉnh sửa về hình thức; cho rằng các quy định trên của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không đi theo hướng bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân, “không đúng bản chất của dân chủ”… Mục đích chung của các thế lực thù địch là làm cho người dân hoang mang nghi ngờ; cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam; kích động người dân Việt Nam phải “yêu cầu”, “đòi hỏi” Đảng và Chính phủ chấp nhận trong nền chính trị Việt Nam phải tồn tại các nhóm chính trị, các chính đảng khác nhau để đa dạng hóa đường lối cho nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do thì mới đảm bảo cho một nền dân chủ.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là khẩu hiệu chung chung

Dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội xuất hiện khá sớm trong nền văn minh nhân loại, gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, các chế độ xã hội khác nhau với nội dung cơ bản dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Theo Karl Marx và Friedrich Engels, dân chủ là một phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân, muốn vậy, thì phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị.

 Phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị đại biểu nhân dân năm 2023

Dân chủ cơ sở là một bước tiến mới trong nhận thức lý luận dân chủ và dân chủ hóa ở nước ta. Trong quá trình thực thi quyền lực bao gồm quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực nhà nước, cấp cơ sở có vai trò quan trọng bởi đây là nơi trực tiếp làm việc với Nhân dân, trực tiếp đón nhận và trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp trên tại cơ sở. Do đó có thể khẳng định, cấp cơ sở có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước mà còn là yếu tố chi phối mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cộng đồng dân cư cùng toàn thể địa bàn; dân chủ ở cơ sở được ví như “chiếc cầu nối” giữa dân với Đảng; giữa trung ương với chính quyền địa phương. Từ quá trình triển khai trong thực tiễn, quần chúng phát hiện ra những hạn chế, bất cập trong chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhân dân sẽ phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy và chính quyền cơ sở đề xuất, kiến nghị đến Đảng, Nhà nước và cấp trên thực hiện điều chỉnh kịp thời.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới đã đề ra phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đúc kết bài học kinh nghiệm: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Tinh thần đó xuyên suốt các kì Đại hội tiếp theo của Đảng ta.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” song nhấn mạnh và bổ sung thêm yếu tố “dân thụ hưởng” - nghĩa là dân làm thì dân phải được thụ hưởng, nếu làm mà không được thụ hưởng thì không tạo động lực để dân làm. Động lực chính là lợi ích; lợi ích phải hài hòa giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước với phương châm tổng quát và tạo thành một “vòng tròn khép kín”, đó là: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, “Về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở” - coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nơi thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Đặc biệt, ngày 10-11-2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với 6 chương, 91 điều, Luật đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, khẳng định trên thực tế quyền con người, quyền công dân, chủ quyền của nhân dân theo nguyên tắc hiến định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.

Đây là đạo luật cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Cụ thể là, những nội dung công khai để dân biết (đó là các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở theo hướng cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành có liên quan); những nội dung dân bàn và quyết định (tại thôn, tổ dân phố; tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động); những nội dung dân tham gia ý kiến (các quy định liên quan đến nội dung và hình thức nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan); những nội dung dân kiểm tra, giám sát (để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở) và những nội dung dân thụ hưởng (người dân được nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và của chính quyền địa phương mà mình được hưởng; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội và sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thành quả đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động nơi làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng).

Với đạo luật này, thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân, nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình. Người dân được biết, được bàn, được giải phóng sức sản xuất và sáng tạo, được kiểm tra, giám sát, tài chính công khai, minh bạch hơn, từ đó nhân dân có điều kiện thực tế để thụ hưởng những thành tựu mà dân chủ mang lại.

 “Lá chắn thép” bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ bản chất tốt đẹp của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành và thực hiện trên thực tế là rất thiết thực, thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hiện thực hóa ý nguyện, tâm tư của người dân về quyền làm chủ của nhân dân. Với mục tiêu, quan điểm và những quy định mới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta không cho phép bất cứ thế lực nào phủ nhận, xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật này.

Thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam đang khẳng định bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội mở rộng hơn. Dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được bảo vệ.

Cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng vào ngày 25-4. Ảnh: Lâm Đồng online 

Tuy nhiên, dân chủ ở cơ sở vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém như: “Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Vẫn còn tình trạng lợi dụng dân chủ, gây mất an ninh, trật tự, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân nhiều nơi chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đồng đều ở các khu vực, loại hình cơ sở”, như Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nước ta hiện nay?

Trước hết, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành ngay văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thực hành dân chủ cơ sở năm 2022 để Luật nhanh chóng được triển khai trong thực tiễn, bảo đảm cho nhân dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở. Ngày 01-7-2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bắt đầu có hiệu lực, do đó, việc các cơ quan chức năng cần sớm ban hành ngay văn bản hướng dẫn thực hiện Luật là giải pháp “tối ưu” trước nhất để Luật sớm được thực thi trong thực tiễn, theo đúng tinh thần pháp luật vì con người, bảo đảm đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, công dân trong đó có các quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tiếp đó, thực hiện đồng độ các biện pháp phát huy dân chủ ở cơ sở gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn trong đó có “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” là nội dung quan trọng được Ðại hội XIII của Đảng khẳng định trong định hướng phát triển đất nước đến năm 2030; theo đó, dân chủ phải gắn liền với tăng cường pháp chế và đi đôi với bảo đảm kỷ cương xã hội, chống vi phạm pháp luật; ngăn chặn những hành vi gây rối, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân,...

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân cần nhận thức đúng về các quyền dân chủ và khi thực thi các quyền dân chủ cần phải hiểu rằng: dân chủ luôn đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, chống vi phạm pháp luật; dân chủ luôn gắn với pháp chế, trật tự xã hội, tuân phủ pháp luật; có như vậy, các quy định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở mới thực sự  là “lá chắn thép” để bảo vệ các quyền dân chủ cho nhân dân, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời bảo đảm cho nhân dân được thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của mình, ngăn chặn các hành vi vi phạm dân chủ từ bất kỳ lực lượng nào, tổ chức nào, cá nhân nào.

Đối với các cơ quan, đơn vị, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của chế độ thực hành dân chủ nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, trực tiếp là cấp xã, phường, thị trấn để họ thực sự là “công bộc của nhân dân”, làm việc vì lợi ích của nhân dân, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc ở cơ quan; tăng cường công tác giáo dục rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạnh của cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị phải luôn nhận thức rằng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một nội dung công tác thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của mình; góp phần đẩy lùi tình trạng quan liêu, cửa quyền trong bộ máy quản lý của cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt cải cách hành chính.

Đồng thời, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở; chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Làm cho người dân thấy rõ rằng, chỉ khi nào người dân biết sử dụng và phát huy các quyền dân chủ thì lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mới được bảo đảm.

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân điện tử

Tin cùng chuyên mục