Mái ấm đại đoàn kết

- Xuân này, đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh ấm áp hơn, khi hàng nghìn ngôi nhà vẫn còn vương mùi sơn, mùi vữa vừa kịp hoàn thành ngay trước ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Nhiều người ví von, đây là những mái ấm mùa xuân, bởi nó thực sự là món quà ý nghĩa, thiết thực, mà bao người đã mơ ước suốt nhiều năm nay.

Khơi nội lực cho đồng bào vươn lên

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn So, thôn Nà Ta, xã Thượng Nông (Na Hang) vừa được hoàn thành. Ông So cứ đi ra đi vào,  ngắm nhìn ngôi nhà mãi mà không tin có ngày mình cất được ngôi nhà khang trang, vững chãi như vậy.

Ông So là hộ nghèo, lại là người khuyết tật. Để vận động được ông So làm nhà, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông Nguyễn Văn Cướng phải đi lại không biết bao  nhiêu lần, bởi ông So cứ lăn tăn mãi. Để tìm thêm nguồn tiền hỗ trợ, Chủ tịch UBND xã đã đến nhà anh trai của ông So để kêu gọi giúp đỡ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ tiền làm nhà. Sau, ông Cướng phải đứng ra tín chấp cho hộ ông So vay vật liệu để làm nhà trước, trả tiền sau.

Cách làm của xã Thượng Nông, cũng là cách làm linh hoạt của nhiều địa phương, khi biết khơi nội lực từ trong chính hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở.

Gia đình ông Lưu Xuân Nam, thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện (Sơn Dương) trong niềm vui khánh thành nhà mới.

Ngôi nhà sàn của gia đình anh Thèn Văn Phủi, thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương) vừa hoàn thành. Ngôi nhà rộng rãi, được xây dựng theo mô hình nhà sàn kiểu mới, vẫn giữ phong cách truyền thống nhưng vật liệu đã được thay đổi để phù hợp. Ngôi nhà cũ trước đây ọp ẹp lắm. Nhà ở 3 - 4 người không sao. Nhưng hôm nào có cỗ, ngồi đủ 2 - 3 mâm cơm là ngôi nhà đung đưa, rung lắc theo từng nhịp chân người bước, khiến chủ nhà lẫn khách không khỏi thấp thỏm, lo lắng.

Mất an toàn là vậy, nhưng để vận động được hộ gia đình này làm ngôi nhà mới, Trưởng thôn Ngòi Trườn Chu Thị Thanh Nga phải mất rất nhiều thời gian. Nhà anh Phủi là hộ nghèo. Tiền mặt, tài sản trong nhà không có gì giá trị. Ngôi nhà lắc lư đã kéo dài vài năm, muốn làm, nhưng anh Phủi sợ làm rồi không có gì trả nợ.

Chị Nga giải thích: Số tiền 50 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ rồi, mình vay mượn thêm anh em họ hàng, rồi vay thêm Ngân hàng Chính sách được hỗ trợ lãi suất. Hai vợ chồng còn trẻ, có nhà rồi, mình đi công ty làm việc, mỗi tháng cũng kiếm được hơn chục triệu đồng, là có tiền lo cho gia đình, có tiền trả nợ ngân hàng. 

Suốt 3 tháng trời đi đi lại lại, anh Phủi cuối cùng cũng nhất trí làm nhà. Ngày khởi công, cả bản xúm vào mỗi người một chân một tay. Nhà nội nhà ngoại cũng mỗi người góp vào một ít, đủ để gia đình hoàn thiện ngôi nhà trị giá nửa tỷ đồng.

Ngôi nhà sàn kiên cố hoàn thành. Vợ chồng anh Phủi sau bữa cơm mừng nhà mới, khăn gói lên đường đi công ty làm việc. Vườn rừng của gia đình cũng sắp đến ngày khai thác, cũng góp thêm nguồn thu của vợ chồng anh yên tâm hơn. Anh Phủi khoe, Tết này ấm hơn, vui hơn, mâm cơm đầu năm chắc chắn sẽ đông khách hơn những năm trước rất nhiều!

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở là chủ trương lớn được tỉnh triển khai từ rất sớm.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 308, toàn tỉnh đã thực hiện làm mới và sửa chữa cho 7.067 hộ/3.820 hộ, trong đó làm mới 6.088 hộ, sửa chữa 979 hộ, đạt 185% kế hoạch giai đoạn.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các đại biểu kéo băng khánh thành căn nhà “Đại đoàn kết” thứ 6.000 tại xã Quyết Thắng (Sơn Dương).  Ảnh: Bàn Thanh

Ở khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động Nhân dân hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở bằng nhiều hình thức như trong cuộc họp thôn, tổ dân phố; trong các cuộc họp, sinh hoạt của Ban Công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội; gặp gỡ trực tiếp hộ nghèo nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể; phát huy vai trò người cao tuổi, người có uy tín ở khu dân cư trong tuyên truyền, vận động.

Hoạt động “3 cùng” với Nhân dân, thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã hỗ trợ trên 180.000 ngày công dỡ nhà ở cũ, đào móng, san nền, vận chuyển vật liệu, lợp mái nhà cho hộ nghèo. Đến nay đã tạo thành phong trào đoàn kết, lan tỏa sâu rộng từ các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, đến các khu dân cư, hộ gia đình, thực sự mang lại hiệu quả thiết thực trong hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở.

Ngoài ra, trong năm 2024 ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi), nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại về nhà ở. Để kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Vận động cứu trợ tỉnh tham mưu phân bổ số tiền 51,54 tỷ đồng từ nguồn kinh phí tiếp nhận ủng hộ Nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3, tại tài khoản Ban Vận động cứu trợ tỉnh để hỗ trợ 687 hộ gia đình xây mới và sửa chữa nhà ở.

Những mái ấm kịp đến với đồng bào ngay ngày cuối năm là động lực để đồng  bào vươn lên. Đây cũng là động lực để Tuyên Quang tiếp tục hỗ trợ làm mới, sửa chữa xấp xỉ gần 7.000 nhà trong năm 2025.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục