Núi non vang tiếng cười vui
Tiếng trẻ học đánh vần, tập múa hát… là những âm thanh vui tai làm xóa tan không khí lạnh giá của mùa đông. Trẻ em vùng cao trong những bộ trang phục nhiều màu sắc chơi các trò chơi truyền thống như: kéo co, đánh pam, đánh yến hay vui chơi trong khuôn viên những ngôi trường khang trang khiến người dân, phụ huynh hạnh phúc.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) có cơ sở vật chất khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2024 - 2025.
Em Phượng Thị Trà My, dân tộc Dao, lớp 9, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lâm Bình vui mừng cho biết, khi học tập dưới mái trường nội trú chúng em được các thầy cô dạy dỗ, chăm lo như con em trong nhà. Nhà trường và các thầy cô còn luôn quan tâm giáo dục chúng em giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc thông qua các hoạt động tìm hiểu, giới thiệu về văn hóa các dân tộc, tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc trong dịp lễ, Tết… Từ đó đã tạo cho chúng em khí thế, sự vui tươi phấn khởi để vươn lên học tốt, em cũng đã cố gắng và đạt được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện trong suốt 9 năm qua.
Những ngôi trường ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Những dãy nhà được sơn màu sơn mới, những lớp học với đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị đã tạo động lực để các trường học nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học 2024 - 2025. Thầy giáo Hà Văn Đôi, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sinh Long (Na Hang) cho biết: Năm học 2024 - 2025 trường có tổng số 689 học sinh, có 367 em ở bán trú tại trường. Trong những năm qua, trường được Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, nhà ở ký túc xá của học sinh cũng đã được nâng cấp, nhiều trang thiết bị phục vụ dạy và học đã được đầu tư. Đây là sự quan tâm rất lớn để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, cố gắng đạt trường chuẩn quốc gia vào năm 2025.
Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong dịp Tết đến, xuân về đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành và các nhà trường. Các hoạt động như thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng trong dịp này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tiếp thêm nghị lực để học sinh vùng cao vươn lên trong cuộc sống và học tập trong năm mới, phấn đấu vươn lên đạt kết quả học tập tốt nhất.
Thu hẹp khoảng cách giáo dục vùng miền
So với những trường học ở vùng xuôi thì những trường học ở các xã vùng cao thuộc các huyện như Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình… được đầu tư khang trang không kém. Đồng chí Khổng Văn Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và của tỉnh mà các công trình trường, lớp học tại huyện vùng cao Lâm Bình được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các điều kiện dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chỉ tính trong năm 2024, toàn huyện đã có 49 phòng, lớp học được sửa chữa và đầu tư xây mới với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng. Trong đó có nhiều công trình tại các xã vùng sâu, vùng xa như Xuân Lập, Phúc Yên… Những công trình mới đã tạo thuận lợi để ngành Giáo dục huyện thực hiện việc xóa bỏ các điểm trường lẻ để tập trung cơ sở vật chất, giáo viên nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đà Vị (Na Hang).
Hiện nay, khi tham gia các cuộc thi, kỳ thi chọn học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật do ngành Giáo dục tổ chức, nhiều trường học ở vùng cao đã nỗ lực tham gia và đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều nỗ lực, triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đổi mới toàn diện, đạt được nhiều thành tích nổi bật được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân ghi nhận. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ tăng nhanh và cao hơn bình quân của cả nước; tỉnh đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các bậc học. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên; chất lượng giải và số lượng học sinh tham dự và đoạt giải tại các cuộc thi, kỳ thi cấp khu vực và quốc gia ngày càng tăng, chênh lệnh giáo dục giữa các vùng miền từng bước được rút ngắn.
Có thể nói, trong những thành tích chung này có sự cố gắng nỗ lực rất lớn từ thầy và trò các trường học ở vùng cao. Một mùa xuân nữa đã về và niềm vui như được nhân lên khi công tác giáo dục và đào tạo ở các trường học vùng cao có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của toàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết