Xuân an cư
Yên Sơn là một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 Yagi gây mưa lũ. Đã có trên 800 hộ bị thiệt hại về nhà ở, 100 hộ nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, đứt gãy, sụt lún phải chuyển tới nơi an toàn. UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo sắp xếp ổn định khu tái định cư, di dân ghép phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Đồng thời, linh hoạt huy động các nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống trước Tết.
Người dân thị trấn Na Hang bị thiệt hại do mưa lũ nhận hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Trong căn nhà mới khang trang, chị Lý Thị Thu, thôn 13, xã Tân Long (Yên Sơn) chia sẻ: Năm qua thật nhiều biến động. Bão lũ đi qua khiến ngôi nhà bao năm hai vợ chồng vun đắp, xây dựng bị đứt gãy, sạt lở xuống sông. Gia đình nhỏ 4 người phải di chuyển đến nhà văn hóa cũ của thôn ở nhờ. Tưởng rằng phải rất lâu sau gia đình chị mới có điều kiện xây dựng lại ngôi nhà mới. Thế nhưng được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, anh em và bà con lối xóm, trong vòng hơn 3 tháng, gia đình chị đã hoàn thành xây dựng nhà tại địa điểm mới. Đón Tết trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng chị thêm yên tâm, quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng một cuộc sống mới.
Cùng với gia đình chị Thu, 11 hộ dân xã Tân Long bị thiệt hại, mất hoàn toàn nhà cửa mùa xuân này đã ổn định trong ngôi nhà mới. 42 hộ bị sạt lở ta luy dương cũng đã khắc phục xong, sẵn sàng đón năm mới với một tâm thế mới phấn chấn hơn. Bí thư Đảng ủy xã Tân Long Lý Minh Hiếu bảo rằng, với nhiều hộ gia đình trong xã, năm nay việc an cư đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc khi Tết đến, xuân về.
Người Mông ở Hùng Lợi (Yên Sơn) tăng gia sản xuất chuẩn bị đón xuân mới.
Không chỉ huyện Yên Sơn, hàng trăm hộ dân tại Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình phải di dời khẩn cấp đến vùng an toàn sau bão lũ cũng đã được bố trí nơi ở mới tại khu tái định cư, hỗ trợ xây dựng, sửa sang nhà cửa để đảm bảo đón Tết. Cùng với việc chăm lo chỗ ở cho người dân vùng thiên tai, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng tổ chức thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ, giúp người dân yên tâm ổn định đời sống.
Đón Tết đầm ấm
Những ngày giáp Tết, trên cánh đồng lúa vụ đông xuân, một màu xanh trải dài đã ôm lấy những làng quê từng tổn thương do bão lũ. Mỗi hạt mầm gieo xuống đất cũng giống như một hạt mầm niềm tin nảy nở, mở ra cánh cửa hy vọng về một mùa mới tràn đầy no ấm, an vui.
Suốt con đường vào xã Linh Phú (Chiêm Hóa), những dấu tích của những trận lũ quét qua vẫn còn lại. Những dòng suối vốn hiền hòa cung cấp nước cho đời sống cho bà con nơi đây cũng đã đổi dòng. Thế nhưng, điều người ra dễ dàng nhận ra nhất đó là những cánh đồng, ruộng rau đã được phủ một màu xanh mới nhiều sức sống hơn. Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú Mai Đình Thư cho biết, trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 9-2024, xã có 50 nhà dân phải sơ tán, di chuyển đến nơi an toàn, có 2 cây cầu thôn bị phá hỏng, 300 m đường giao thông bị hư hại… Đảng ủy, chính quyền xã đã tận dụng mọi nguồn lực được hỗ trợ, vận động bà con nỗ lực tái thiết cuộc sống. Bên cạnh việc nỗ lực giúp bà con Nhân dân an cư, các phương án hỗ trợ cây trồng, con giống vật nuôi cũng đã được triển khai, việc hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho các hộ đặc biệt khó khăn được đảm bảo để người dân đón Tết đầm ấm hơn.
Bà con Nhân dân các dân tộc xã Hồng Quang (Lâm Bình) chơi đánh yến trong lễ hội mùa xuân.
Ghé thăm bản vùng cao Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình), bà con nơi đây đang tất bật với gạo nếp, lá dong, dọn dẹp lại những vật dụng, đồ dùng, trang hoàng cho ngôi nhà sàn thêm khang trang để chuẩn bị đón năm mới. Suốt dọc tuyến đường chính của thôn, những cành hoa mận trắng muốt đã nở rung rinh trong gió.
Anh Hoàng Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Khung cảnh thôn dã bình yên của làng văn hóa du lịch chỉ vài tháng trước đây bị tàn phá do sạt lở đá. Thế nhưng, với quyết tâm đón một mùa xuân mới đầm ấm, yên vui, bà con trong thôn đã giúp đỡ, hỗ trợ nhau cải tạo, xây dựng lại nhà ở. Nà Tông cũng đã đón những đoàn khách đầu tiên trong mùa xuân mới cùng nhiều hoạt động trải nghiệm đón Tết vùng cao như dệt vải, gói bánh chưng, tập luyện những làn điệu dân ca đón chào năm mới… Bên ánh lửa bập bùng cùng mùi lúa mới ngát thơm, hương xuân đầm ấm đã dần hiện hữu.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề trên khắp các thôn bản, vùng sâu vùng xa, trên những đồng ruộng bậc thang, những phiên chợ, trong những căn nhà mới… Cuộc sống sau bão lũ chưa bao giờ là dễ dàng, thế nhưng tâm thế của người bước qua cơn bão đã thay đổi, đó là nỗi khát khao tái thiết, xây dựng cuộc sống mới đầy đủ, ấm no hơn. Khát khao ấy cũng được gửi gắm vào một mùa xuân mới với nhiều ước vọng.
Gửi phản hồi
In bài viết