65 năm trước, bà Nigar Akhundova được chụp ảnh cùng Bác Hồ.
Quả thực cô Nigar Akhundova, Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc tế, Văn phòng Azerbaijan là người phụ nữ mà chúng tôi gặp trong bữa tối ấm áp tình hữu nghị tại Thủ đô
Ba-Ku ấy rất đặc biệt. Thứ nhất là rất khó nghĩ rằng cô năm nay đã vào tuổi bảy mươi bởi vì sau cái bắt tay mạnh mẽ thì nhận ra rằng cô nhìn rất trẻ so với độ tuổi ấy. Thứ hai, cô chính là cô bé 6 tuổi trong tấm ảnh chụp năm 1959 cùng với Bác Hồ, khi Người đến thăm Azerbaijan. Đây là điều đặt biệt nhất.
Câu chuyện bên ly rượu vang và bữa tối đậm đà bản sắc vùng Trung Á với những món chế biến từ thịt cừu, trong một không gian đậm sắc màu văn hóa truyền thống Azerbaijan đưa chúng tôi trở về quá khứ của 65 năm về trước.
Tháng 7/1959, theo lời mời của Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm một loạt các nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Xô - viết như Ukraine, Gruzia, Turkmenistan, Tajikistan, Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan...
Chuyến đi này, Người thăm và nghỉ hè ở Liên Xô trong vòng một tháng.
Khi đến thăm Nước Cộng hòa Azerbaijan nằm trên bờ biển Caspi. Bác Hồ đã đến thăm trung tâm công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ hàng đầu của Liên bang Xô - viết. Khi đó, Việt Nam còn đang bộn bề trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ, Bác Hồ đã đặc biệt chú ý đến vấn đề dầu mỏ.
Trong bảo tàng lịch sử hữu nghị Azerbaijan hiện vẫn còn lưu giữ nhiều bức ảnh Bác Hồ trong trang phục kaki giản dị và đôi dép cao-su khi đi tham quan một mỏ dầu ở sát bờ biển tại Thủ đô Ba-ku. Bác đã nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí Azerbaijan: Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như ở Ba-ku. Lời tiên tri ấy của Bác về sau đã trở thành hiện thực.
Tác giả bài viết và bà Nigar Akhundova.
Cũng trong chuyến thăm Azerbaijan năm ấy, Bác Hồ dù rất bận rộn nhiều công việc nhưng vẫn dành thời gian tiếp xúc với người dân Azebaijan. Bác đã đến thăm một gia đình Azerbaijan đã lưu lại bức ảnh Người dắt tay cháu bé gái cùng đi và bức ảnh Người ngồi cùng cháu và mấy người lớn trên băng ghế dài ngoài sân. Bé gái năm xưa chính là Nigar Akhundova, con gái của bí thư thứ nhất đảng cộng sản Azerbaijan lúc đó.
Cô chia sẻ, dù 65 năm đã trôi qua, nhưng cô luôn nhớ khoảnh khắc được một vị lãnh đạo Việt Nam, một đất nước nghe xa lắm, dắt tay đi cùng. Cô vẫn nhớ vị lãnh đạo Việt Nam khi ấy giống như người ông thân mật dắt tay đứa cháu gái đi dạo. Mặc dù khi đó mới chỉ 6 tuổi, cô cũng chưa tưởng tượng được đất nước Việt Nam xa xôi ở đâu, nhưng khi trưởng thành cùng năm tháng, cô tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam lại càng thêm yêu mến và thấy được giá trị lịch sử của tấm ảnh năm xưa.
Cô Nigar Akhundova học xong phổ thông thì vào đại học. Cô theo học ngành âm nhạc, sau một thời gian ra trường làm nghệ sĩ biểu diễn, rồi chuyển sang nghiên cứu âm nhạc. Sau mấy chục năm làm việc ở các cơ quan văn hóa, âm nhạc quốc gia và quốc tế. Hiện nay, cô Nigar Akhundova đang là Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc tế của Azebaijan dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO). Dù đã vào tuổi bảy mươi nhưng sự nghiệp của cô vẫn còn đang trên đường tỏa sáng.
Câu chuyện của chúng tôi trở về ký ức ôn lại những kỷ niệm của một thời mà quan hệ hữu nghị giữa hai nước từng ghi nhiều dấu ấn tốt đẹp. Khi biết đoàn công tác của lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền chúng tôi đến thăm và làm việc với các trường Đại học hàng đầu ở Ba-Ku, Nigar Akhundova bày tỏ sự mong đợi cho tương lai của sự tiếp tục hợp tác giữ vững truyền thống lịch sử. Trong mấy chục năm qua, Azerbaijan dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí.
Các trường đại học của Azerbaijan đã từng đào tạo cho Việt Nam hơn năm ngàn người lao động chất lượng cao. Từ kỹ sư, cử nhân, đến tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Riêng Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan, nay là Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan trong 50 năm, từ 1967 đến 2017, đã đào tạo cho Việt Nam hơn 500 người trình độ từ kỹ sư trở lên.
Cô cho biết, tháng 5 năm 2024, nhân kỷ niệm Ngày Độc lập của Azerbaijan, cô đã cùng đoàn nghệ sĩ Azebaijan sang thăm Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ trọng thể tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cô đã xúc động khi kể lại kỷ niệm của mình lúc còn nhỏ, đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được chụp ảnh cùng Người. Tuy nhiên, tấm ảnh năm xưa chưa từng được công bố trên báo chí và nay cô đồng ý cho phép tôi được chụp lại tấm ảnh này để nhiều người được biết.
Câu chuyện về cô Nigar Akhundova và tấm ảnh khiến cho không khí buổi gặp mặt của chúng tôi thêm đầm ấm. Trước khi rời Ba-Ku, chúng tôi đã có thêm một kỷ niệm đẹp là được chụp ảnh chung cùng cô. Một trải nghiệm mới cho chúng tôi thêm tự tin vào bước đường hợp tác phát triển trong tương lai với bạn bè ở các quốc gia trên thế giớin
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Oanh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Gửi phản hồi
In bài viết