Ảnh: AP
Kế hoạch này do Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin công bố chiều 15/6. Kế hoạch bao gồm tất cả các vấn đề cần giải quyết hiện nay như quản lý đại dịch và nền kinh tế cũng như chương trình tiêm chủng quốc gia. Kế hoạch trên gồm 4 giai đoạn dựa trên 3 chỉ số như số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày, khả năng của hệ thống y tế và tiến độ tiêm chủng. Theo đó, Chính phủ Malaysia chỉ có thể quyết định chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo nếu 3 chỉ số trên được đáp ứng. Chính phủ Malaysia sẽ cân nhắc thực thi giai đoạn 2 nếu số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống dưới 4.000 ca/ngày. Trong giai đoạn này, các hoạt động kinh tế được phép sử dụng đến 80% nhân viên so với thời điểm trước đại dịch
Giai đoạn 3 sẽ được thực thi nếu số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày. Trong giai đoạn này, mọi hoạt động kinh tế sẽ được phép nối lại hoạt động, ngoại trừ những lĩnh vực đặt ra nguy cơ cao đối với sự lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, mọi hoạt động vẫn phải phải tuân thủ nghiêm ngặt Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và giới hạn công suất.
Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh, Chính phủ Malaysia đã thiệt hại 1 tỷ ringgit mỗi ngày (khoảng 240 triệu USD) do lệnh phong tỏa toàn diện được áp đặt từ ngày 1/6, khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng vọt trong tháng 5.
Tình hình tại Malaysia vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới mỗi ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 14/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, xấp xỉ 5.000 người trong 24 giờ, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 60 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Tổng Giám đốc cơ quan y tế, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết, Selangor vẫn có nhiều ca bệnh nhất với 1.523 người có kết quả xét nghiệm dương tính, tiếp theo là Sarawak (744), Kuala Lumpur (503) và Johor (430).
Tính đến 15/6, Malaysia đã ghi nhận 667.876 trường hợp mắc COVID-19 với hơn 4.000 người tử vong. Mặc dù đã có hơn 590.000 người đã khỏi bệnh, nhưng quốc gia này vẫn đang điều trị cho hơn 70.000 người dương tính với virus SARS-CoV-2. So với thời điểm giữa tháng 1, Malaysia chỉ có hơn 28.000 trường hợp dương tính với COVID-19 và 555 người tử vong. Như vậy, số ca mắc COVID-19 ở Malaysia đã tăng gấp 3 lần và số tử vong tăng gấp 8 lần chỉ trong 5 tháng.
Theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Khairy Jamaluddin, từ tháng 1, Chính phủ đã chi hàng tỷ ringgit để mua vaccine và hàng tỷ ringgit nữa cho công tác hậu cần và tiêm chủng vaccine.
Quốc gia có dân số 32,7 triệu người này đã có hơn 13 triệu người đăng ký tiêm chủng vaccine. Một số địa phương đã mở thêm các trung tâm tiêm chủng, nên sẽ có một số nơi như thủ đô Kuala Lumpur và Putrajaya về đích trước, đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 8 - sớm hơn kế hoạch của Chính phủ.
Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới kiêm Bộ trưởng Điều phối Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 của Malaysia Khairy Jamaluddin cho hay, tới nay nước này nhận được và phân phối 5.955.092 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó phần lớn là vaccine Pfizer (3.632.850 liều), còn lại là vaccine Sinovac (1.674.142 liều) và AstraZeneca (648.100 liều).
Ba tuần tới, Malaysia sẽ nhận tổng cộng 1.333.800 liều vaccine Pfizer, chia thành 3 đợt, mỗi đợt 444.600 liều.
Để kiểm soát dịch bệnh, Malaysia đã đặt mua tổng cộng 79,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-28/6. Các chuyên gia y tế của nước này dự báo, số ca mắc mới có thể sẽ tăng tới 13.000 trường hợp mỗi ngày nếu Chính phủ Malaysia không áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện.
Gửi phản hồi
In bài viết